Các nhà máy thông minh được tích hợp trong hệ sinh thái tự động hóa, cung cấp tất cả các thành phần cho một giải pháp tự động hoàn chỉnh, phục vụ cho tất cả các lĩnh vực. Hệ sinh thái này giúp các doanh nghiệp đạt được hiệu quả, tính linh hoạt và năng suất vượt trội. Chính vì vậy, hiện nay nhà máy thông minh đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Tại Việt Nam, nhu cầu chuyển đổi từ nhà máy truyền thống sang nhà máy thông minh đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Ông Jang Yoon Ho, Giám đốc bộ phận hỗ trợ đối tác Samsung Việt Nam cho biết, tập đoàn đang triển khai các nhà máy thông minh tại Việt Nam và hỗ trợ hơn 50 doanh nghiệp xây dựng các nhà máy loại này. Điều này cho thấy tiềm năng và cơ hội lớn cho việc phát triển mô hình nhà máy thông minh tại Việt Nam. Để được lựa chọn tham gia vào dự án nhà máy thông minh của Samsung, các doanh nghiệp cần đáp ứng một số điều kiện, bao gồm việc cải tiến và tối ưu hóa quy trình sản xuất để đảm bảo dữ liệu được thu thập và xử lý theo thời gian thực.
Theo PGS.TS. Thoại Nam (trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), việc tích hợp công nghệ vật lý và kỹ thuật số vào quy trình sản xuất giúp tạo ra một hệ thống sản xuất tự động và tối ưu, giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất nhờ vào khả năng tối ưu hóa quy trình và sử dụng hiệu quả tài nguyên, giúp giảm thiểu lãng phí. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm do có công nghệ giúp giám sát và kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao. Ngoài ra, hiện nay với việc sử dụng AI và phân tích dữ liệu lớn, nhà máy thông minh có thể dự đoán chính xác nhu cầu thị trường, từ đó lập kế hoạch sản xuất phù hợp, kịp thời, tăng cường khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả với các biến động của thị trường. Chính vì vậy, nhà máy thông minh không chỉ là một công cụ nâng cao năng lực, mà còn là yếu tố sống còn để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
“Tuy nhiên, để thực hiện điều này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có sự hỗ trợ nhiều mặt từ phía chính quyền và cơ quan quản lý chức năng. Bởi, các doanh nghiệp này thường phải đối mặt với nhiều thách thức khi triển khai do hạn chế về tài chính, thiếu nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn, cũng như cách thay đổi tư duy… Trong thực tế, việc đầu tư vào công nghệ mới và cơ sở hạ tầng thường đòi hỏi chi phí cao, điều này vượt quá khả năng tài chính của nhiều doanh nghiệp. Việc vận hành và quản lý nhà máy thông minh đòi hỏi nhân viên có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và tự động hóa. Cũng như, việc chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thống sang nhà máy thông minh yêu cầu thay đổi tư duy và văn hóa làm việc, điều này có thể gặp phải sự khó thích nghi từ phía nhân viên và quản lý”, ông Nam chia sẻ.
Trước nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp về triển khai xây dựng nhà máy thông minh, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ nhà máy truyền thống sang mô hình nhà máy thông minh. Theo đó, thành phố cung cấp các gói vay ưu đãi với lãi suất thấp để các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ và nâng cấp nhà máy. Mức vay tối đa lên đến 200 tỷ đồng cho mỗi dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, các chương trình đào tạo và huấn luyện về nhà máy thông minh, nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng cho doanh nghiệp và người lao động, cũng như cung cấp giải pháp công nghệ, tư vấn cho các doanh nghiệp về chiến lược và lộ trình chuyển đổi số thường xuyên được tổ chức, cập nhật.
“Nhà máy thông minh là xu hướng tất yếu của nền công nghiệp 4.0, mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho doanh nghiệp về mọi mặt. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền, các tổ chức và sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp. Đặc biệt phải có các giải pháp dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần xây dựng chương trình đào tạo trong các trường đại học và tổ chức các khóa huấn luyện cho nhân viên, kỹ sư và CEO để hình thành hệ thống nhà máy thông minh tại Việt Nam, thu hút nhà đầu tư nước ngoài”, bà Ngọc thông tin thêm.