Ghi nhận tình hình sản xuất kinh doanh hiện tại của một số doanh nghiệp (DN) dệt may nội địa giữa “bão” thuế quan sẽ thấy vẫn có được những tín hiệu tích cực về đơn hàng, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.
Nhìn từ khả năng đứng vững của dệt may
Đơn cử như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) với nhiều DN thành viên đã nhận đủ đơn hàng may mặc đến hết quý 2/2025 và đang giao dịch cho quý 3/2025. Riêng hồi quý 1/2025, lợi nhuận hợp nhất ước đạt 271 tỷ đồng, bằng 29,8% kế hoạch năm 2025 và gấp khoảng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2024.
.png)
Đầu tư vào công nghệ tự động hóa sẽ góp phần nâng cấp giá trị cho hàng Việt xuất khẩu.
Hoặc có thể kể đến một số DN khác như CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), CTCP May Sông Hồng (MSH), CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM), CTCP Sợi Thế Kỷ (STK)...vẫn đang cho thấy mức độ khả quan về đơn hàng, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận.
Thực ra, để đứng vững trước áp lực thuế quan và nhiều biến động khác không phải là điều đơn giản với các DN dệt may nội địa nếu như họ không có sự chủ động hướng đi phù hợp, đặc biệt trong vấn đề nâng cấp giá trị để tăng sức cạnh tranh khi có rủi ro về thị trường.
Chẳng hạn với TNG, theo đánh giá mới đây từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VCBS, DN này đang từng bước chuyển dịch sang sản xuất các mặt hàng có độ khó và yêu cầu kỹ thuật cao hơn nhằm gia tăng giá trị trung bình trên mỗi đơn hàng, qua đó bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng tại một số thị trường.
Ngoài ra, theo VCBS, phía TNG đang áp dụng công nghệ hiện đại để tối ưu chi phí. Cụ thể là áp dụng các giải pháp bổ sung tính năng Trí tuệ nhân tạo (AI) trên phần mềm giao việc và đặt hàng tự động, tích cực đầu tư vào máy móc thiết bị tự động hoá để tăng năng suất lao động như hệ thống AGV robot tự chế tạo và vận hành. Công ty này cũng đang tiếp tục đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái để tối ưu hóa nguồn năng lượng sạch và giảm chi phí điện.
Hoặc như mới đây, ở đại hội cổ đông thường niên 2025, lãnh đạo Tổng công ty Việt Thắng - CTCP cho biết năm nay sẽ tiếp tục đầu tư đổi mới máy móc trang thiết bị với công nghệ và mức độ tự động hoá cao để tăng năng suất chất lượng, giảm chi phí, giảm lao động dẫn đến giảm giá thành. Bên cạnh đó, việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cũng là mục tiêu mà DN này theo đuổi.
Ngoài những tín hiệu tích cực kể trên thì ngành dệt may Việt vẫn đang đối mặt nhiều thách thức. Nhất là hàng loạt yêu cầu, thách thức của các thị trường lớn như chiến lược “dệt may bền vững” với 3 tiêu chuẩn độ bền, khả năng tái sử dụng, tái chế từ sợi thành sợi và hàm lượng tái chế bắt buộc. Rồi tình hình đơn hàng cũng những tác động nhất định từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ.
Đó là chưa kể giá nguyên vật liệu có dấu hiệu tăng trở lại, có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của các DN dệt may. Đơn cử như giá xơ, sợi dệt nhập khẩu có dấu hiệu tăng trở lại từ đầu năm 2025, trong khi giá nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ từ Việt Nam tiếp tục đà giảm từ tháng 8/2024.
Ngoài ra, như với trường hợp của TNG, một số khách hàng đã đề xuất giảm giá bán thêm 2% do họ chấp nhận chịu mức thuế 10% tăng thêm nhằm tránh việc phải tăng giá đến tay người tiêu dùng. Và để ứng phó với biến động chi phí đầu vào, DN này đã chủ động ký kết các hợp đồng dài hạn với nhà cung cấp nguyên phụ liệu và lên kế hoạch dự trữ nhằm ổn định giá mua trong bối cảnh giá nguyên phụ liệu có xu hướng tăng trở lại.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực xen lẫn thách thức của DN dệt may, thực tế cho thấy với hàng Việt XK giữa nhiều biến động như hiện nay, nếu vẫn chưa thực sự xác lập được vị thế, chưa nâng cấp được giá trị, sẽ khiến dễ rơi về thế bị tổn thương.
Theo giới chuyên gia, vị trí thấp trong chuỗi giá trị khiến hàng Việt gặp khó khăn trong cạnh tranh, lợi nhuận thấp, và khó mở rộng thị trường quốc tế. Hơn nữa, phần lớn nguyên liệu đầu vào đều nhập khẩu, khiến tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa trên tổng sản lượng xuất khẩu thấp. Chính vì vậy, việc tăng tốc nâng cấp giá trị cho hàng Việt là rất cần thiết trong lúc này, thà chậm còn hơn không.
Đừng khư khư giữ mãi vị trí thấp
Dành lời khuyên cho các DN Việt trước áp lực thuế đối ứng từ Mỹ, Ts. Sơn Trần, cố vấn phát triển Kinh doanh cho Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – Việt Nam, nhấn mạnh là nên nâng cấp chuỗi giá trị, chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình sản xuất gia công (OEM) sang mô hình nhà sản xuất thương hiệu gốc (OBM), đầu tư vào xây dựng thương hiệu, đổi mới và sở hữu cơ sở khách hàng.
Với mô hình OBM, các DN sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả mọi thứ bao gồm sản xuất và phát triển, chuỗi cung ứng, giao hàng và tiếp thị. Tuy nhiên, ưu điểm mang lại là họ sẽ bán hàng hóa dưới tên thương hiệu riêng của mình để tăng thêm giá trị. Mô hình này còn giúp cho DN tiết kiệm chi phí khi bớt đi các vấn đề rắc rối phát sinh.
Riêng về chiến lược thương hiệu, theo Ts. Sơn Trần, các DN Việt cần chuyển đổi hình ảnh từ một nhà sản xuất chi phí thấp sang một nhà cung ứng thay thế đáng tin cậy. Chẳng hạn như có khả năng cung cấp các mặt hàng đặc sản độc đáo có giá trị cao như hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản và thủy sản.
Còn theo Ts. James Kang, chuyên gia công nghệ, trước biến động thuế quan đòi hỏi các DN Việt cần vượt qua mô hình sản xuất cơ bản và đầu tư vào những công cụ thông minh hơn như AI và tự động hóa. Bức tranh công nghệ Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quan trọng và đến lúc cần những nét cọ táo bạo giúp toàn cảnh bừng sáng.
Tuy nhiên, như lưu ý của Ts. Kang, các DN không thể tự mình thực hiện điều đó. Chính phủ đóng vai trò then chốt trong việc tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu để giúp DN trong nước mở rộng quy mô.
Tựu trung, giữa nhiều biến động, các DN nội địa nếu như không kịp thời chuyển mình theo con đường nâng cấp giá trị thì có nguy cơ dẫn đến một vấn đề nghiêm trọng: tỷ trọng của các ngành công nghiệp giá trị thấp sẽ tiếp tục gia tăng.
Chính vì vậy, thay vì khư khư giữ mãi vị trí thấp, nhìn từ khả năng đứng vững của ngành dệt may với các tín hiệu tích cực xen lẫn thách thức, để thấy rằng bằng cách tăng cường năng lực nội tại, áp dụng các công cụ thông minh và theo đuổi một chiến lược rõ ràng trong nâng cấp chuỗi giá trị thì hàng Việt xuất khẩu mới có cơ hội tăng trưởng bền vững dẫu cho có nhiều biến động phía trước.