Chủ động ứng phó rủi ro tài chính

Chủ động ứng phó rủi ro tài chính

Trong thập kỷ gần đây, khủng hoảng kinh tế diễn ra đều là khủng hoảng về tài chính. Vì vậy, doanh nghiệp phải quan tâm đến an ninh tài chính như một vấn đề cốt tử. Tại diễn đàn An ninh tài chính và cạnh tranh doanh nghiệp diễn ra ngày 25.7, các chuyên gia khuyến nghị: Cùng với sự chủ động ứng phó từ doanh nghiệp, cả hệ thống cũng phải thay đổi để tăng cường an ninh tài chính.


Rủi ro nhiều

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, rủi ro tài chính xảy ra ở cả lĩnh vực tài khóa và tiền tệ. Ông chỉ ra 4 loại rủi ro tài khóa của Việt Nam, gồm: Nợ công cao; thâm hụt ngân sách lớn; những rủi ro liên quan đến doanh nghiệp nhà nước; và rủi ro trong cơ cấu thu - chi ngân sách. Chi thường xuyên không những không giảm mà còn tăng lên trong thời gian qua, từ chỗ chiếm 72%  tổng chi đã tăng lên 75% - TS. Cấn Văn Lực giải thích rõ hơn về rủi ro trong cơ cấu chi ngân sách. Ở lĩnh vực ngân hàng - tiền tệ có rủi ro tín dụng, đặc biệt là nợ xấu. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là 1 trong 20 thị trường bị đánh giá là rủi ro trên thế giới vì có tính biến động rất cao. Bên cạnh đó, có rủi ro về hoạt động đối với con người, quy trình và công nghệ.


Toàn cảnh diễn đàn

Theo đại diện của Bộ Công an, hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng đang có chiều hướng phức tạp, nhiều cán bộ cấp cao bị bắt giam, điều tra… cùng nhiều sai phạm liên quan đến điều hành hoạt động và cho vay, gây ảnh hưởng đến an ninh an toàn hệ thống. Đối với lĩnh vực tài chính - chứng khoán - thuế - hải quan, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng rất phức tạp. Nhiều doanh nghiệp trốn thuế, nợ thuế, bên cạnh đó là tình trạng doanh nghiệp niêm yết nhưng cố tình che giấu thông tin, tạo doanh thu ảo…

Trong bối cảnh nợ công và nợ xấu ở mức cao, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính cho rằng lãi suất cao và lạm phát thấp là rủi ro lớn nhất đối với an ninh tài chính và tiền tệ của Việt Nam hiện nay. Lãi suất thực cao làm giảm khả năng trả nợ của Chính phủ và doanh nghiệp, kiềm chế chi tiêu cho đầu tư và khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại. Lãi suất cho vay đồng Việt Nam cao khiến cho tình trạng đô la hóa không giảm, ngược lại, nó khuyến khích cho vay và huy động USD. Do đó, hạ lãi suất xuống còn 6% và kích thích lạm phát lên 2% là cần thiết để tránh nguy cơ nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát. “Chính sách tiền tệ cần đi trước lạm phát, nếu để lạm phát xuống 0% rồi mới phản ứng thì có thể đã muộn” ông Độ nhấn mạnh.

Hệ thống tài chính cũng phải thay đổi 

Theo TS. Phạm Tuấn Anh, Đại học Thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro phá sản, rủi ro lãi suất, rủi ro hối đoái và rủi ro tín dụng. Ông cho biết, năm 2016, có 105 doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam, trong đó, có 81% doanh nghiệp thường xuyên nhận diện các rủi ro tài chính, 22% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của tư vấn để nhận diện rủi ro, đồng thời phần lớn doanh nghiệp nhận diện rủi ro thông qua phân tích các chỉ tiêu tài chính căn bản. Tuy vậy, các hình thức nhận diện rủi ro tài chính ở Việt Nam còn khá đơn giản và mang tính hình thức, nhiều doanh nghiệp ở các ngành, lĩnh vực khác nhau nhưng cách thức, kỹ thuật nhận dạng rủi ro tài chính lại không có nhiều khác biệt.

 “Hơn lúc nào hết, cần tiếp tục có những nghiên cứu thực nghiệm về cấu trúc rủi ro tài chính doanh nghiệp Việt Nam, về nhận thức và quan điểm của các nhà quản trị doanh nghiệp về rủi ro tài chính và quản trị rủi ro tài chính. Đồng thời, tăng cường hơn nữa các hoạt động truyền thông, các diễn đàn, các hoạt động đào tạo tăng cường năng lực quản trị rủi ro tài chính cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam”, TS. Phạm Tuấn Anh, Đại học Thương mại bày tỏ quan điểm.

Cùng với sự chủ động ứng phó rủi ro từ doanh nghiệp, các chuyên gia khuyến nghị cả hệ thống tài chính cũng phải có thay đổi để tăng cường an ninh, an toàn. TS. Cấn Văn Lực đề xuất thực hiện báo cáo đánh giá rủi ro tài khóa hàng năm; thành lập các bộ phận đầu mối quản lý rủi ro tài khóa thuộc Bộ Tài chính hoặc do các liên vụ, cục phụ trách. Bên cạnh đó, các cơ quan cần nâng cao năng lực phân tích rủi ro, xây dựng cơ sở dữ liệu, dự báo, cảnh báo… để các doanh nghiệp có thông tin để hoạt động, điều phối hoạt động kinh doanh.

Cùng với đó, theo các chuyên gia, trong lĩnh vực ngân hàng - tiền tệ, để giảm rủi ro, cần đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; tăng cường quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế đối với các định chế tài chính và doanh nghiệp nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát…

Theo ĐBND

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang