Cổ phần hóa DNNN còn nhiều kẽ hở gây thất thoát tài sản công, tư nhân hóa ngầm

Cổ phần hóa DNNN còn nhiều kẽ hở gây thất thoát tài sản công, tư nhân hóa ngầm

Đại biểu cũng cho biết để tránh thất thoát tài sản nhà nước, tránh giá trị cổ phiếu ảo, cần đưa giá trị sử dụng đất và giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Việc định giá đất cần bám sát giá thị trường, gắn với quy hoạch sử dụng đất.


Chiều nay (ngày 30/5), Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Ban Kinh tế TW tổ chức Hội thảo “Đổi mới Doanh nghiệp nhà nước và Phát triển kinh tế tư nhân”.

ke ho trong co phan hoa doanh nghiep nha nuoc
Hội thảo "Đổi mới DNNN và phát triển kinh tế tư nhân" (Ảnh: Hoàng Kiều)

Đáng chú ý trong buổi Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Phong - Phó Vụ trưởng, Phó Ban tuyên truyền lý luận - Báo Nhân dân cùng ThS. Bùi Thị Mai Anh - Trường Cao đẳng Xây dựng và Công nghiệp đã đề cập đến các vấn đề kẽ hở trong quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Thực tế cho thấy, quá trình cổ phần hóa DNNN thời gian qua khá chậm trễ, chưa đạt được mục tiêu. Đặc biệt còn nhiều điều đáng ngại về thất thoát tài sản công, kể cả hiện tượng tư nhân hóa ngầm các DNNN.

Theo công văn gửi Bộ Tài chính, từ ngày 1/7/2014 – 30/11/2016, cả nước có 60 DNNN, DNNN sau cổ phần hóa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa và không thực hiện đấu giá khi cổ phần hóa.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định từ ngày 15/2/2017 đến hết năm 2020, tất cả 240 DNNN hiện có sẽ tiếp tục thực hiện, sắp xếp cổ phần hóa theo tiêu chí phân loại danh mục và tỷ lệ vốn nhà nước cụ thể cho từng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cách thức cổ phần hóa cũng sẽ đổi mới với việc bãi bỏ các hạn chế đối với nhà đầu tư chiến lược và không yêu cầu bán hết ngay theo kế hoạch mà sau khi cổ phần hóa vẫn còn vốn nhà nước thì doanh nghiệp tiếp tục niêm yết trên sàn để tự bán. DNNN thực hiện cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán khi đủ điều kiện trong thời hạn 1 năm kể từ ngày IPO.

Đại biểu cũng cho biết để bảo vệ tài sản công trong quá trình cổ phần hóa, nhất là những doanh nghiệp có tài sản lớn, cần thu hút các nhà đầu tư có năng lực; xác định đúng và đủ giá trị thương hiệu và đất đai vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa; kiện toàn bộ máy quản lý.

Đặc biệt, cần sớm nhận diện, xử lý kịp thời cả về tài chính, hành chính và hình sự các lãnh đạo, người đại diện phần vốn nhà nước không nghiêm túc hoặc thực hiện sai gây thất thoát tài sản nhà nước.

Việc kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc minh bạch hóa, góp phần chống tham nhũng. Thực tế cho thấy, giá trị sổ sách tài sản trên đất có thể rất thấp nhưng quyền thuê đất và chuyển nhượng đất sẽ cực kỳ quan trọng và hấp dẫn các nhà đầu tư.

Đơn cử, quỹ đất vàng trên đường Lê Duẩn của Công ty Xổ số Kiến Thiết TP HCM được định giá hơn 800 tỷ đồng nhưng khi tổ chức đấu giá thu được gần 2.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, theo đại biểu để tránh thất thoát tài sản nhà nước, tránh giá trị cổ phiếu ảo, cần đưa giá trị sử dụng đất và giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Việc định giá đất cần bám sát giá thị trường, gắn với quy hoạch sử dụng đất.

Hơn nữa, quá trình đấu giá cần được thực hiện nghiêm túc, minh bạch và cạnh tranh lành mạch trên cơ sở phải thông tin đầy đủ về diện tích đất, vị trí, giá thuê, thời hạn thuê, phương thức thanh toán tiền thuê đất. Chính phủ cần phải xử lý nghiêm khắc hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”, dùng thủ thuật, kỹ thuật để gạt người khác ra, dìm giá và chi phối kết quả đấu giá khi cổ phần hóa.

Đồng thời, toàn bộ quá trình đổi mới các DNNN cần đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang