Công nghệ đã đi vào ngóc ngách của xã hội

Công nghệ đã đi vào ngóc ngách của xã hội

Theo Chủ tịch SSI, công nghệ, tài sản số, những thứ trước đây chỉ trong ý tưởng, câu chuyện của từng đất nước, hiện đã đi vào ngóc ngách của xã hội.

Nguồn:Lao động

Công nghệ đã đi vào ngóc ngách của xã hội

Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng phát biểu tại Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam 2024 . Ảnh: Thu Hằng

Tại Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam 2024 (Vietnam Tech Impact Summit 2024 - VTIS2024) diễn ra trong hai ngày 3-4.12.2024, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán SSI và ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT đã chia sẻ câu chuyện về khát vọng làm thay đổi thế giới thông qua công nghệ và tài chính.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng cho biết, trong thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của công nghệ trên toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực tài sản số – bao gồm blockchain, tiền mã hóa, token hóa tài sản và các ứng dụng phi tập trung (DeFi). Những thứ trước đây chỉ trong ý tưởng, câu chuyện của từng đất nước, hiện đã đi vào ngóc ngách của xã hội, từng gia đình.

Ông Hưng dẫn chứng dữ liệu từ một nghiên cứu của Forbes mới đây, người Việt Nam đứng thứ hai thế giới về sở hữu và quan tâm tài sản số.

“Các tổ chức trên thế giới có mặt ngày hôm nay có tới 10 sàn giao dịch lớn nhất trên thế giới cũng đều thừa nhận rằng thị trường Việt Nam là thị trường có độ giao dịch đứng trong top 4 thị trường giao dịch lớn nhất thế giới. Đây không còn là những giải pháp công nghệ, những câu chuyện của ý tưởng mà nó đi vào trong cuộc sống của từng gia đình ở Việt Nam”, Chủ tịch SSI nói thêm.

Tuy nhiên, Chủ tịch SSI cho rằng, Việt Nam còn thiếu một khung pháp lý rõ ràng, khiến lĩnh vực này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực blockchain và tài sản số tại Việt Nam vẫn phải hoạt động trong điều kiện thiếu định hướng, khiến họ mất lợi thế cạnh tranh so với các nước láng giềng như Singapore hay Thái Lan.

Người tham gia thị trường cũng đối diện với những rủi ro do thiếu quy định, dẫn đến việc không thể bảo vệ người dùng trước những hoạt động lừa đảo hoặc thiếu minh bạch.

“Là những người đang tham gia sâu sát vào thị trường công nghệ và tài sản số, chúng tôi nhận thấy rằng việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam không chỉ là nhu cầu của các doanh nghiệp mà còn là điều kiện cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ nói riêng và nền kinh tế nói chung”, Chủ tịch SSI nói.

Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT

Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT

Cùng quan điểm, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khẳng định, Việt Nam có vị thế và đang tỏa sáng trên bản đồ công nghệ thế giới. “Cuộc cách mạng mang tên chuyển đổi số đánh dấu kỷ nguyên vươn mình của đất nước, để dân tộc Việt Nam có thể đứng ngang hàng với các dân tộc tiên tiến trên thế giới” - Chủ tịch FPT nói

Ông Trương Gia Bình cho biết thêm, Việt Nam đứng thứ hai sau Ấn Độ về xuất khẩu phần mềm và có một lượng nhân lực công nghệ mà nhiều quốc gia không có. Đã có nhiều doanh nghiệp chọn Việt Nam làm ngôi nhà thứ hai và có nhiều công ty của các quốc gia khác chọn Việt Nam là ngôi nhà của mình. AI, blockchain và các công nghệ số khác đều dựa vào dữ liệu để phát triển. Tuy nhiên, ông Bình cũng cảnh báo rằng, dữ liệu chỉ phát huy giá trị khi được quản lý đúng cách và có chính sách hỗ trợ phù hợp.

"Việt Nam đang có thế và lực để tỏa sáng trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Nhưng để làm được điều đó, chúng ta phải dấn thân và hành động ngay hôm nay" - ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Lao động
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang