Đột phá khoa học, công nghệ là con đường sống còn

Đột phá khoa học, công nghệ là con đường sống còn

Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, để quán triệt, triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

Nguồn:Báo Thanh niên

Sáng 13.1, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, để quán triệt, triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

Tổng Bí thư Tô Lâm, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự hội nghị.

"Chìa khóa vàng" vượt bẫy thu nhập trung bình

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam phải coi KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt.

"Đây chính là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta", Tổng Bí thư nêu rõ và khẳng định đột phá, đổi mới sáng tạo sẽ là yếu tố kỳ diệu để làm nên kỳ tích, bởi đột phá, sáng tạo mới tạo ra bước tiến mang tính cách mạng.

Tổng Bí thư cũng khẳng định Đảng và Nhà nước luôn coi KH-CN là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt đang cản trở sự phát triển của KH-CN, từ thể chế, cơ chế, chính sách, luật, đến nguồn lực, phương tiện.

Đột phá khoa học, công nghệ là con đường sống còn- Ảnh 1.

ẢNH: GIA HÂN

Tổng Bí thư dẫn chứng các nhà khoa học mất quá nhiều thời gian, khoảng 50% thời gian, công sức dành cho các thủ tục. Các đề tài nghiên cứu không có đột phá, không đo đếm được kết quả. Nguồn lực dành cho KH-CN hạn chế, kinh phí dành cho nghiên cứu phát triển chưa đến 0,7% GDP, trong khi mức trung bình của các nước phát triển là 2%, có nước 5%. Cùng đó, chưa mạnh dạn chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, không thương mại hóa được sản phẩm, nhiều trường hợp làm đề tài là một hình thức "làm kinh tế biến tướng"…

Nhấn mạnh nguyên nhân chính khiến việc thực hiện các nghị quyết T.Ư chưa thực sự thành công nằm ở khâu tổ chức thực hiện, Tổng Bí thư nêu rõ Nghị quyết 57 không thay thế các nghị quyết trước đây nhưng có thể xem là "nghị quyết giải phóng tư duy khoa học" ,"nghị quyết để thực hiện các nghị quyết", "nghị quyết của hành động" với những mục tiêu rất cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ đất nước trong thời kỳ mới. Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết 57 nhận được đồng thuận rất cao và được đánh giá là một "khoán 10" trong lĩnh vực KH-CN.

Từ đó, theo Tổng Bí thư, để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và kịp thời, các cấp, các ngành, các địa phương phải xắn tay ngay vào làm việc, không được chậm trễ. Những chủ trương, giải pháp trong nghị quyết phải được nhanh chóng thể chế hóa và ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để tổ chức thực hiện.

Đột phá khoa học, công nghệ là con đường sống còn- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu tham quan triển lãm về phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số bên hành lang hội nghị

ẢNH: GIA HÂN

Tổng Bí thư nhấn mạnh về quan điểm, phải luôn quán triệt xem đầu tư vào KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai. Xem đây là khoản đầu tư, mà đầu tư thì chấp nhận có thắng, có thua. Cùng đó, xem dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là "không khí và ánh sáng" của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới; chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất. Còn đổi mới sáng tạo chính là "cây gậy thần" để đạt tới thịnh vượng bền vững, với nhà khoa học giữ vị trí trung tâm.

Về hành động, Tổng Bí thư chỉ ra cần xác định, làm rõ Nhà nước làm gì, doanh nghiệp làm gì, trí thức, nhà khoa học làm gì, toàn dân làm gì, thụ hưởng như thế nào. Tổng Bí thư đề nghị Nhà nước cần tập trung 4 việc: hoàn thiện thể chế, pháp lý để thực hiện đột phá, phát triển; xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ đột phá; tạo nguồn nhân lực phong phú, trí tuệ đủ năng lực để đột phá; đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu thông tin, bí mật, bí quyết, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, bảo mật chủ quyền quốc gia, phát triển độc lập.

Hướng tới chi 2% GDP cho khoa học - công nghệ

Từ định hướng này, Tổng Bí thư đề nghị 8 nhiệm vụ giải pháp, đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Trong đó, đầu tiên là thống nhất nhận thức và hành động, xác định phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. "Mọi nhiệm vụ sẽ được giám sát, đánh giá thường xuyên; làm tốt được khen thưởng, làm chậm hoặc sai phạm sẽ bị phê bình, xử lý. Lãnh đạo yếu kém, thiếu trách nhiệm sẽ bị thay thế ngay, không để đất nước lỡ cơ hội phát triển", Tổng Bí thư khẳng định.

Thứ hai là phải rất khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách. Tổng Bí thư yêu cầu trong năm 2025, phải càng sớm càng tốt hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

"Những quy định nào cần loại bỏ thì bỏ luôn, luật nào phải sửa thì sửa luôn, đồng bộ, thống nhất, tinh thần là thông thoáng, một nội dung chỉ quy định ở một luật", Tổng Bí thư nhấn mạnh. Cùng đó, Tổng Bí thư yêu cầu hoàn thiện thể chế phải đi đôi với tổ chức thực hiện hiệu quả. "Loại bỏ ngay tình trạng "trên rải thảm, dưới rải đinh" và loại bỏ tư duy nhiệm kỳ, đố kỵ, hay bình quân chủ nghĩa", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Thứ ba là khẩn trương sắp xếp lại bộ máy, tổ chức về KH-CN, trong quý 1/2025 phải hoàn thành. Có kế hoạch cụ thể để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân tài KH-CN. Tổng Bí thư đề nghị Nhà nước có thể chọn thí điểm một số viện, hoặc trường để mời chuyên gia ở bên ngoài làm lãnh đạo, nhất là trong cộng đồng người VN ở nước ngoài. "Trước đây người ta không dám về là vì chúng ta chưa thật sự sẵn lòng, còn nhiều rào cản về hành chính và các quy định, rất khó điều hành. Nay mọi thứ sẽ thuận hơn rất nhiều", Tổng Bí thư nói.

Cùng đó, tính toán hình thành cơ chế kiến trúc sư trưởng hoặc tổng công trình sư cho việc thực hiện các đề án, dự án lớn về KH-CN và chuyển đổi số mang tính liên ngành. Nhà nước tạo thuận lợi thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, hỗ trợ về thủ tục, khuyến khích bằng thuế và tín dụng, được mời chuyên gia nước ngoài đến làm việc, được tạo mọi điều kiện để hoạt động thuận lợi...

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh ưu tiên bố trí ngân sách cho KH-CN xứng tầm là quốc sách đột phá. Theo Tổng Bí thư, năm 2025, đề nghị Chính phủ bố trí đủ ít nhất 3% ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này và tiếp tục nâng tỷ lệ chi cho KH-CN lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho KH-CN, đổi mới sáng tạo; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, bao gồm công nghệ số. Đồng thời, tập trung mũi nhọn vào các ngành có lợi thế và tiềm năng, tránh dàn trải.

Tổng Bí thư chỉ rõ cần đẩy mạnh hợp tác và tận dụng tri thức quốc tế, đồng thời nhấn mạnh phải biết cách "đứng trên vai của những người khổng lồ". Thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn, tạo cơ hội để doanh nghiệp VN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, khuyến khích chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực học hỏi, tiếp thu, làm chủ, cải tiến tri thức, công nghệ của thế giới.

Theo Tổng Bí thư, đất nước đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình, nhưng thách thức cũng vô cùng to lớn. Do đó, phải quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, "không để lỡ thời cơ thêm lần nữa".

Kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, sáng tạo, thực hiện thành công các nhiệm vụ, đưa Nghị quyết 57 nhanh chóng vào cuộc sống, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn. Lãnh đạo các cấp cần coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; các nhà khoa học, doanh nghiệp hãy cống hiến, sáng tạo; người dân cần đồng hành, học hỏi, nâng cao kỹ năng số".

Báo Thanh niên
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang