Sóng 5G chập chờn, thiếu ổn định tại nhiều khu vực

Sóng 5G chập chờn, thiếu ổn định tại nhiều khu vực

Nhiều người dùng phản ánh dịch vụ 5G nhanh gấp nhiều lần 4G, song chập chờn, thiếu ổn định.

Nguồn:Lao động

Sóng 5G chập chờn, thiếu ổn định tại nhiều khu vực

Tốc độ 5G có sự chênh lệch lớn giữa các địa điểm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Khánh An

Dịch vụ 5G rất nhanh nhưng vẫn chập chờn

Cách đây 2 tuần, Viettel đã chính thức khai trương dịch vụ 5G thương mại cho người dùng. Đây cũng là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam công bố thương mại dịch vụ này.

Đại diện Viettel cho biết, đã lắp đặt hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng 100% "thủ phủ" của 63 tỉnh thành, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học. Tốc độ mạng có thể đạt 1 Gbps, gấp 10 lần so với 4G hiện nay và độ trễ gần như bằng 0.

Sau khi biết thông tin về việc đã có sóng 5G, chị Đặng Thanh Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vào phần cài đặt chiếc iPhone 15 Pro của mình và bật chế độ 5G. Chị Hoa cho biết, thời gian đầu chị bất ngờ với tốc độ vượt trội của mạng 5G. Có thể lấy ví dụ như khi cùng tải một ứng dụng trên App Store, trong khi máy của chị tải trong vòng 10-20s thì máy của chồng chị (hiện đang sử dụng 4G) lại mất hơn 3 phút.

Thế nhưng, chị Hoa đánh giá sóng 5G hiện nay vẫn chập chờn, thiếu ổn định. Sử dụng phần mềm i-SPEED (ứng dụng kiểm tra tốc độ mạng do Trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng) tại nhà, chị đo được tốc độ tải xuống 5G đạt 250,68Mb/giây, tốc độ tải lên đạt 105,76Mb/giây. Thế nhưng, chỉ cần di chuyển sang quán cà phê cách nhà hơn 1km, các chỉ số này đã thay đổi đáng kể, tốc độ tải xuống 5G chỉ đạt 98,25Mb/giây, tốc độ tải lên đạt 53,76Mb/giây.

Tương tự, anh Dương Ngọc Phú (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, khu vực nhà anh hiện đã bắt được sóng 5G. Thế nhưng, nhiều thời điểm, chiếc iPhone 13 Pro Max của anh tự động chuyển về chế độ 4G.

Chưa ổn định là điều dễ hiểu

Trao đổi với Lao Động, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Ban (Học viện Bưu chính Viễn thông) cho biết, nguyên nhân chính, khiến 5G vẫn chập chờn là do số lượng trạm BTS còn hạn chế hay các vấn đề kỹ thuật về đường truyền… “Các nhà mạng sẽ có phương án kỹ thuật để phủ sóng tốt hơn, sóng khỏe hơn” - ông Ban cho hay.

Giải thích về việc sóng 5G chưa ổn định trong giai đoạn đầu, ông Đoàn Quang Hoan - Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện - cho hay, công nghệ này hiện đang được ưu tiên triển khai tại những khu vực đông dân cư với mật độ người sử dụng cao. Tại những nơi thưa dân, việc đầu tư sẽ rất lớn nhưng hiệu quả hạn chế.

Việc phát triển trạm BTS 5G dày đặc sẽ tiêu thụ điện rất lớn, chính vì vậy các nhà mạng phải cân đối giữa nhu cầu và khả năng phục vụ khách hàng.

Ông Hoan cũng lý giải, phạm vi phủ sóng của 5G hẹp hơn 3G 4G nên đòi hỏi trong một khu vực mật độ trạm BTS phải lớn hơn 3G 4G. Nếu như chưa đạt mật độ phù hợp thì sẽ dẫn đến sự mất ổn định.

Lao động
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang