Đại học ETH Zurich chính thức công bố siêu máy tính Alps tại Trung tâm Siêu máy tính quốc gia Thụy Sĩ (CSCS) ở thành phố Lugano, miền Nam nước này.
Trí tuệ nhân tạo (AI) có vai trò ngày càng tăng trong cuộc sống hàng ngày. Ảnh minh hoạ
Phát biểu tại CSCS, Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Guy Parmelin cho biết siêu máy tính Alps thể hiện tầm nhìn của Thụy Sĩ hướng tới tương lai của tri thức và tiến bộ. Theo Đại học ETH Zurich, đây là phần trọng tâm trong sáng kiến thúc đẩy Thụy Sĩ trở thành trung tâm hàng đầu thế giới về phát triển và triển khai các giải pháp AI “minh bạch và đáng tin cậy”.
Tháng 6 vừa qua, Alps được xếp hạng là siêu máy tính mạnh thứ 6 thế giới. Tuy nhiên, khi đó máy tính này chưa được lắp ráp đầy đủ và chỉ hoạt động với 60% tiềm năng. Mục đích của việc phát triển siêu máy tính Alps là đáp ứng nhu cầu về dữ liệu cực lớn và khoa học tính toán, đồng thời tận dụng AI được nhiều hơn. Giám đốc Trung tâm AI tại ETH Zurich, ông Andreas Krause cho biết siêu máy tính Alps giúp đào tạo các mô hình AI phức tạp cho các ứng dụng quan trọng, như y học và nghiên cứu khí hậu.
Thực tế, Văn phòng Khí tượng và Khí hậu Liên bang của Thụy Sĩ (MeteoSwiss) đã sử dụng siêu máy tính Alps để tạo ra mô hình dự báo thời tiết có độ phân giải cao hơn, nhằm phản ánh chính xác hơn địa hình núi và thung lũng phức tạp của Thụy Sĩ.
Theo Phó Giám đốc CSCS Michele De Lorenzi, một chiếc máy tính xách tay thương mại sẽ phải mất 40.000 năm để thực hiện được những công việc mà siêu máy tính Alps có thể thực hiện trong một ngày. Siêu máy tính được đặt trong 33 tủ có diện tích 116 m2.