Ứng dụng AI trong quản trị tòa soạn thông minh

Ứng dụng AI trong quản trị tòa soạn thông minh

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn góp phần xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, giữ vững vai trò là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.

Nguồn:VTV

Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, sáng 15/5, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh" với sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực báo chí - truyền thông, nhà quản lý, các diễn giả là đại diện những doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin.

Chuyển đổi số trở thành yêu cầu bắt buộc, quyết định đến sự sống còn của các cơ quan báo chí

Cuộc cách mạng 4.0 đã tạo ra những thay đổi to lớn về mọi mặt của đời sống xã hội, mà báo chí - truyền thông cũng không phải ngoại lệ. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn về chuyển đổi số. Đặc biệt là Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ứng dụng AI trong quản trị tòa soạn thông minh - Ảnh 1.

PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị - phát biểu khai mạc hội thảo

Hiện nay, các cơ quan báo chí tại Việt Nam đang phải đối mặt với 4 vấn đề trong quá trình phát triển. Một là nguy cơ bị tấn công mạng với quy mô lớn, có thể gây ra những tổn hại lớn. Hai là ảnh hưởng đến thông tin từ mạng xã hội, thậm chí bị tác động bởi tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng… trong khi việc xác minh các nguồn tin cũng như xác định các trào lưu trên không gian mạng rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi nếu không có các công cụ thích hợp. Ba là xu hướng cá nhân hóa trong tiếp nhận thông tin cũng ngày càng cao. Bốn là sự thay đổi vai trò, vị thế của công chúng, đang từ thế bị động chuyển sang chủ động, vừa là người tiêu thụ các sản phẩm báo chí truyền thông, nhưng đồng thời cũng là người tham gia vào quá trình truyền tải thông tin.

Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí đa phương tiện, các loại hình truyền thông xã hội như trang thông tin điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo, YouTube…) đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt cho hoạt động báo chí. Xu hướng hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện ngày càng trở nên phổ biến cũng đặt ra những thách thức cần sự chuyển đổi số tại các cơ quan chí, chuyển đổi từ tập trung cho báo in sang tập trung cho báo điện tử, đặc biệt là yêu cầu cập nhật thông tin nhanh nhạy, chính xác của bạn đọc. Vì vậy, báo chí cần phải có sự đổi mới về công nghệ, tổ chức bộ máy để theo kịp xu thế đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Ứng dụng AI trong quản trị tòa soạn thông minh - Ảnh 2.

Mức độ ứng dụng AI trong báo chí tại Việt Nam

Chuyển đổi số không chỉ là nhu cầu mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, quyết định đến sự sống còn của các cơ quan báo chí. Theo đó, chuyển đổi số báo chí là sự tích hợp dữ liệu và công nghệ số vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của một cơ quan báo chí; và là việc sử dụng công nghệ số nhằm thay đổi mô hình từ quản lý đến tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và kinh doanh..., từ đó tạo ra những sản phẩm, cơ hội, doanh thu và các giá trị mới. Đây cũng là mục tiêu mà các cơ quan báo chí luôn phải hướng tới.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, đối với các cơ quan báo chí, việc xây dựng tòa soạn hội tụ, tòa soạn số, tòa soạn thông minh được thực hiện theo Quyết định số 348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu mà Quyết định đề ra là đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

Tòa soạn thông minh là bước tiến tiếp theo của tòa soạn hội tụ

Tòa soạn thông minh được biết đến là mô hình đa nền tảng, đa công cụ. Trong đó, việc tổ chức phòng ban, sắp xếp nội dung xuất bản, phương thức tác nghiệp của các phóng viên có nhiều điểm khác biệt so với các tòa soạn báo truyền thống và một phần quan trọng nữa là quản lý Văn phòng điện tử; sử dụng trí tuệ nhân tạo, Chatbox, hỗ trợ tìm kiếm, gợi ý chủ đề, thông tin, tối ưu hóa người dùng, truy xuất tài liệu số hóa ngay trên cùng hệ thống tòa soạn hội tụ.

Tại Báo Kinh tế & Đô thị, tòa soạn hội tụ đã hoạt động hiệu quả trong thời gian qua, lấy báo điện tử làm trung tâm tích hợp nhiều ấn phẩm, bao gồm: báo in, các chuyên trang điện tử để hình thành cơ sở dữ liệu tập trung.

Ứng dụng AI trong quản trị tòa soạn thông minh - Ảnh 3.

Mô hình tòa soạn thông minh đang được áp dụng tại Báo Kinh tế & Đô thị

Để tiếp tục thống nhất trên một nền tảng kỹ thuật, đảm bảo hiệu quả cao về chất lượng nội dung và tính tương tác với độc giả, đáp ứng yêu cầu tác nghiệp ngày càng cao của báo chí trong tình hình hiện nay, cơ quan này đang xây dựng đề án phát triển Tòa soạn thông minh. Trong đó, hệ thống tòa soạn hội tụ sẽ sử dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ cho cấp lãnh đạo chỉ đạo và điều hành, giúp phóng viên, biên tập viên thuận tiện trong việc thực hiện các tin, bài đa phương tiện; sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để theo dõi sự kiện, trích xuất thông tin và xác định xu hướng. Bên cạnh đó; tòa soạn còn có ứng dụng công nghệ trong sáng tạo tác phẩm báo chí nhằm gia tăng tốc độ sản xuất tin bài; ứng dụng công nghệ AI để tự động viết các tin mang tính thường xuyên, lặp lại, để các nhà báo có thể tập trung vào các bài viết chuyên sâu hơn…

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn không chỉ là giải pháp về mặt kỹ thuật, mà chính là cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực báo chí, từ đó góp phần xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn và giữ vững vai trò là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa cũng như định hướng dư luận trong thời đại số.

Tại hội thảo, các chuyên gia khẳng định, tòa soạn thông minh là bước tiến tiếp theo của tòa soạn hội tụ - nơi trí tuệ nhân tạo trở thành "trợ lý đắc lực" trong mọi khâu sản xuất báo chí: hệ thống AI tự động gợi ý đề tài, AI gợi ý từ khóa xu hướng, AI tóm tắt văn bản tự động, AI chuyển văn bản thành giọng nói, AI sáng tạo hình ảnh, AI sáng tạo nội dung hay trợ lý ảo AI tổng hợp dữ liệu nhanh chóng. Trong khi đó, Chatbot hỗ trợ biên tập viên truy xuất tài liệu, trả lời bạn đọc; phân tích xu hướng người dùng, tối ưu hóa nội dung theo hành vi truy cập.

Tuy nhiên, khi ứng dụng AI trong sản xuất nội dung, mô hình tòa soạn thông minh hiện vẫn gặp một số rủi ro như: thông tin thiếu chính xác do AI tạo nội dung nhanh, không kiểm tra độ xác thực, không đủ hiểu biết để đánh giá độ nhạy cảm của thông tin hay thậm chí AI tự "bịa" ra thông tin không có thật nhưng trình bày rất thuyết phục; tin giả tạo bởi AI và vấn đề suy giảm niềm tin; thiên vị thuật toán do AI được huấn luyện dựa trên dữ liệu lịch sử, có nguy cơ củng cố định kiến và thiên kiến sẵn có...

Để khắc phục những rủi ro này, các chuyên gia khuyến nghị một số giải pháp như: cần đào tạo nhận thức và kỹ năng về AI cho nhân sự tại các cơ quan báo chí; hợp tác với các công ty công nghệ để phát triển các công cụ, ứng dụng AI trong báo chí; thiết lập các quy tắc đạo đức để sử dụng AI hiệu quả, đảm bảo phát triển lành mạnh và có trách nhiệm; ưu tiên công tác chuyển đổi số, thông minh hóa tòa soạn qua ứng dụng AI và Big Data.

VTV
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang