Xu hướng các “đại bàng công nghệ” đầu tư vào Việt Nam

Xu hướng các “đại bàng công nghệ” đầu tư vào Việt Nam

Không chỉ có NVIDIA mà đang có một làn sóng đầu tư FDI vào công nghiệp bán dẫn, AI, blockchain và các ngành công nghệ tương lai khác. Các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, Lam Research, Qorvo, AlChip… đã có kế hoạch chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam.

Nguồn:Doanh nghiệp hội nhập

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa đưa ra dự báo ước tính Việt Nam tăng trưởng 6,4% thay vì 6%; năm 2025 tăng trưởng sẽ đạt mức 6,6% cao hơn khá nhiều so với dự báo 6,2% trước đó. Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 từ mức 5,5% lên 6,1%. Các ngân hàng quốc tế khác cũng có dự báo tương tự. Trong khi đó Việt Nam đặt mục tiêu là 6,5-7% năm 2024 và nỗ lực đạt 7-7,5% năm 2025.

Dự báo của ADB thường được cho là chính xác. ADB nhận định hoạt động thương mại của Việt Nam sẽ mạnh hơn dự kiến, sản xuất chế biến chế tạo hàng xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ hơn.

ADB cũng tin rằng, trong bối cảnh các khó khăn bên ngoài gia tăng, thế giới đầy bất định, Việt Nam đẩy mạnh đầu tư công và chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ là các biện pháp cần thiết để kích thích hơn nữa cầu nội địa.

Các tập đoàn hàng đầu thế giới đến Việt Nam

Dự báo của ADB được đưa ra trong bối cảnh gần đây các tập đoàn hàng đầu thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, đổ về Việt Nam. Tập đoàn chip lớn nhất thế giới NVIDA của tỷ phú Jensen Huang vừa sang Việt Nam với kế hoạch xây dựng Trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc). NVIDA mua lại VinBrain - công ty khởi nghiệp về AI của Vingroup để phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn ở Việt Nam, cho thấy tham vọng của “đại bàng công nghệ” này ở nước ta.

Xu hướng các “đại bàng công nghệ” đầu tư vào Việt Nam

GPU Blackwell của Nvidia. Ảnh AFP.

Việc NVIDA đầu tư lớn tại Việt Nam là bước đi đột phá, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn. Kết quả này gây tiếng vang lớn và nâng tầm vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, là điểm đến của công nghệ cao, công nghệ bán dẫn và AI.

Mọi công tác bắt tay vào đầu tư, sản xuất của NVIDA đang được bắt đầu, khi họ đang tuyển dụng kỹ sư, quản lý cấp cao ở Hà Nội, liên quan đến sản xuất, phát triển sản phẩm GPU (đơn vị xử lý đồ họa).

Việc NVIDIA mở Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam rất quan trọng. Việc hình thành Trung tâm R&D về AI tại Việt Nam, là đầu tư phần lõi hệ sinh thái của NVIDA và sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp cung cấp các thiết bị AI data center vào theo.

Do đó sự hợp tác này không dừng ở việc sản xuất chip bán dẫn mà đi sâu vào ngành công nghệ với ứng dụng AI, trong đó có thể ứng dụng AI phát triển chip và ngược lại tạo ra những con chip phục vụ AI. NVIDIA không trực tiếp sản xuất, kiểm thử, đóng gói chip bán dẫn mà chỉ thiết kế các loại chip tiên tiến, hiện đại. Đó là khâu chiếm tỷ trọng giá trị lớn, lên đến 60% giá trị của con chip, cũng là khâu thế mạnh của NVIDIA .

Việc đầu tư một nhà máy sản xuất chip có vốn rất lớn, có thể lên vài chục tỷ USD, trong khi Việt Nam không thể có số vốn lớn như vậy, chỉ có những tập đoàn lớn như NVIDIA mới làm nổi.

Ngoài ra, NVIDIA cũng cam kết sẽ dịch chuyển các nhà máy trong chuỗi cung ứng sản xuất sang Việt Nam trong thời gian tới với giá trị đầu tư của các nhà máy này lên tới nhiều tỉ USD.

Sự chuyển dịch này có lẽ nằm trong kế hoạch của NVIDIA. Ngày 9/12, Đài CCTV (Trung Quốc) đưa tin, cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc với thẩm quyền xử lý vấn đề chống độc quyền đã mở cuộc điều tra đối với Tập đoàn NVIDIA trong quá trình hoạt động ở quốc gia này. NVIDA bị cáo buộc vi phạm các cam kết đã đưa ra vào năm 2020, khi tập đoàn Mỹ mua lại hãng công nghệ Mellanox của Israel với giá 6,9 tỉ USD. Có thể phía Trung Quốc cho rằng, NVIDIA vi phạm luật chống độc quyền nào đó đã cam kết. Ngay tức thì sau đó, cổ phiếu NVIDIA đã rớt giá.

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng về việc giới hạn xuất khẩu liên quan đến công nghệ sản xuất chip, mà NVIDIA là nhà sản xuát chính.

Trước đó, Trung Quốc cũng thông báo cấm xuất khẩu một số vật liệu cần thiết để sản xuất chất bán dẫn sang Mỹ, sau khi Mỹ thi hành các biện pháp hạn chế năng lực của Trung Quốc trong ngành sản xuất chip công suất cao.

Không chỉ có NVIDIA

Chia sẻ thông tin tại phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn, sáng 14/12, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua các cơ quan của Việt Nam đã tiếp xúc, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, Lam Research, Qorvo, AlChip và có các công ty đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam.

Xu hướng các “đại bàng công nghệ” đầu tư vào Việt Nam
Văn phòng Google Việt Nam sẽ tiếp nhận chuyển giao từ trụ sở tại Singapore. Ảnh: AFP.

Hiện tại, trong lĩnh vực thu hút đầu tư bán dẫn, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD. Các bên phát triển trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam.

Trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam chỉ mới tham gia vào các công đoạn như thiết kế, kiểm thử, đóng gói vi mạch, sản xuất thiết bị và nguyên liệu liên quan đến bán dẫn nhưng chưa có nhà máy sản xuất chip.

Trong đó, có hơn 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch với đội ngũ nhân lực ước tính hơn 6.000 kỹ sư, công đoạn đóng gói kiểm thử có 7 nhà máy, với khoảng 6.000 kỹ sư, chưa bao gồm hơn 10.000 kỹ thuật viên. Các doanh nghiệp về sản xuất thiết bị và nguyên liệu cho ngành công nghiệp bán dẫn như Samsung, Seojin, Coherent... cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động.

Ngành Công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang phát triển nóng khi nhu cầu đang rất cao và sẽ còn cao hơn nữa trong thập kỷ này. Năm 2024 ngành Công nghiệp bán dẫn tiếp tục tăng tốc mạnh mẽ, đạt giá trị 600 tỷ USD, trong đó nhu cầu chip phục vụ AI tăng cao. Ngành Công nghiệp xe điện phát triển nhanh và trở thành xu hướng toàn cầu. Sự phủ sóng mạng 5G cũng làm tăng nhu cầu về chip. Ngoài ra, các công nghệ sản xuất mới và đóng gói tiên tiến bắt đầu được áp dụng dưới sự dẫn dắt của một số tập đoàn công nghệ như TSMC và Samsung.

Không chỉ có NVIDIA mà đang có một làn sóng đầu tư FDI vào công nghiệp bán dẫn, AI, blockchain và các ngành công nghệ tương lai khác. Làn sóng này đã bắt đầu từ năm 2023 khi có hàng loạt tập đoàn FDI lớn tới Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư.

Google cũng chọn Việt Nam để mở rộng chiến lược đầu tư. Đây là cơ hội giúp Việt Nam có thể định hình lại nền kinh tế và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đầu tháng 12, Google đã thành lập Google Việt Nam và sẽ đi vào hoạt động từ năm 2025, trực tiếp quản lý hoạt động liên quan đến quảng cáo Google Ads và các sản phẩm khác của Google tại Việt Nam và cũng đang tuyển dụng nhiều vị trí công việc liên quan.

Trước đó, vào tháng 11, Foxconn, một nhà cung ứng của Apple đầu tư 80 triệu USD vào hoạt động sản xuất chip tại tỉnh Bắc Giang; còn Meta của tỷ phú Mark Zuckerberg có kế hoạch mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo.

Xu hướng các “đại bàng công nghệ” đầu tư vào Việt Nam
Công ty TNHH Công Nghệ Shunsin Việt Nam thuộc Tập đoàn Foxconn đang xin cấp phép môi trường cho dự án đầu tư 80 triệu USD vào tỉnh Bắc Giang để sản xuất, gia công chip. Ảnh: Báo Bắc Giang.

SpaceX của tỷ phú Elon Musk cũng có ý định đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam. Trong khi Tập đoàn Trump Organization sẽ đầu tư khoản tiền tương tự vào Hưng Yên.

Tất cả cho thấy Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một phần quan trọng của thế giới công nghệ toàn cầu. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có khoảng 13 dự án đầu tư bán dẫn quy mô 3- 4 tỉ USD đang đàm phán đầu tư vào Việt Nam, các dự án này sẽ được cấp phép vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.

Mở rộng quan hệ với các cường quốc công nghệ

Việt Nam cũng đang đẩy mạnh triển khai dự án Đối tác tương lai Việt Nam - Hàn Quốc về nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy thiết lập Tổ công tác liên ngành Việt - Hàn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn và AI.

Với Nhật Bản, hợp tác bán dẫn, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao, là một trong 5 ưu tiên của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới giai đoạn 1. Dự kiến sẽ có khoảng 100 nhà nghiên cứu được cử sang học tập, nghiên cứu chuyên sâu tại Nhật Bản hằng năm.

Với Đài Loan (Trung Quốc), bước đầu hình thành các cơ chế hợp tác thông qua kênh hiệp hội doanh nghiệp "Chương trình đặc biệt giáo dục tài năng công nghiệp quốc tế" (INTENSE) cho sinh viên Việt Nam, dự kiến mỗi năm sẽ có khoảng hơn 1.000 sinh viên Việt Nam được phía Đài Loan cấp học bổng học tập và làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Đài Loan.

Năm 2023 cũng đánh dấu một cột mốc về chính trị - ngoại giao, nâng tầm vị thế Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ và hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, hướng tới sự hợp tác cùng phát triển.

Với Mỹ, đây là thời kỳ mà Việt Nam tăng tốc và Mỹ cũng cần Việt Nam để thực hiện các chiến lược phát triển của Mỹ và các tập đoàn Mỹ. Trong đó hai ngành mà Mỹ và Việt Nam đều coi trọng là bán dẫn và AI. Hợp tác bán dẫn và AI sẽ là hợp tác kinh tế đặc biệt quan trọng của hai nước.

Việt Nam có tiềm năng về tài nguyên đất hiếm đứng thứ 2 thế giới. Đây là lợi thế lớn với công nghiệp bán dẫn, góp phần thay đổi tình trạng độc quyền đất hiếm như hiện nay. Mỹ sẽ dành cho Việt Nam những điều kiện cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn và AI.

Cụ thể, trong năm 2023 Mỹ cũng đã công bố gói viện trợ 500 triệu USD cho các nước hợp tác với Mỹ để phát triển công nghiệp bán dẫn, trong đó khoảng 15% dành cho Việt Nam.

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, ông Donald Trump sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Đây cũng là thời kỳ sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách của Mỹ, qua đó có khả năng thay đổi nhiều về chính sách, tác động ảnh hưởng mạnh các quan hệ kinh tế trên thế giới.

Làn sóng rời bỏ Trung Quốc theo sau cuộc chiến thương mại hồi năm 2018 đã giúp Việt Nam hưởng lợi từ dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam. Lần này cũng có thể như vậy, thậm chí còn có khả năng tác động tới triển vọng dài hạn của khu vực.

Xu hướng các “đại bàng công nghệ” đang hướng đến Việt Nam Việt Nam là tín hiệu tốt cho nền kinh tế nước ta đang chuyển mình hướng đến sản xuất công nghệ cao. Vấn đề còn lại là công tác “lót ổ” để đón các “đại bàng”…

Doanh nghiệp hội nhập
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang