Theo Ban tổ chức cho biết, Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam là hoạt động thường niên được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà nghiên cứu kinh tế trao đổi thông tin, đánh giá cơ hội thị trường cho xuất khẩu, phát triển thị trường, nhằm mục tiêu phát huy năng lực sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
Đồng thời, đề xuất chính sách xúc tiến xuất khẩu, các giải pháp nâng cao vị thế của Việt Nam thành một trong những quốc gia xuất khẩu có năng lực, đáng tin cậy, bền vững.
Chủ đề “Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017” là nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho xuất khẩu của Việt Nam.
Đánh giá về kim ngạch xuất khẩu trong năm vừa qua của Việt Nam, ông Bùi Huy Sơn – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, năm 2016, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt, thể hiện trên cả hai phương diện quy mô và tốc độ tăng so với năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 176,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Cả nước có 24 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó nhóm hàng nông sản, thủy sản đạt 22,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2015. Tỷ lệ nội địa hóa một số ngành được nâng cao như điện thoại di động, dệt may,....
Kết quả xuất khẩu tương đối khả quan so với các năm trước, tuy nhiên, giá trị gia tăng nhiều nhóm ngành hàng như nông sản, thủy sản, điện tử gia dụng, điện tử công nghệ cao,... vẫn còn thấp. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, đây là một kết quả khả quan trong tương quan so sánh với năm trước cũng như so sánh với các nước trong khu vực.
Mặc dù có nhiều thành tích xuất khẩu như vậy, nhưng các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam lại ít được người tiêu dùng thế giới biết đến.
Đơn cử, cà phê là một trong những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu luôn đứng trong top đầu lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm thủy sản vào thị trường Mỹ, nhưng trong danh mục các công ty nhập khẩu cà phê vào Mỹ, không có cái tên cà phê nào của Việt Nam.
Lý giải về nguyên nhân này, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng phần lớn hàng nông, lâm thủy sản Việt Nam khi xuất ra nước ngoài, thường lấy tên chung chung, hoàn toàn không có thương hiệu cụ thể nào, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu. Đó là lý do tại sao hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam lại không có giá trị gia tăng cao.
Ngoài ra thực trạng này đã được các nhà phân tích không ít lần nêu lên, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng, xuất khẩu sản phẩm thô mà chưa chú trọng vào các mặt hàng giá trị gia tăng. Hơn nữa không tạo thương hiệu riêng cho nên nhiều sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt dù đã vươn ra các thị trường thế giới nhưng vẫn không để lại dấu ấn với người tiêu dùng thế giới.
Bàn về giải pháp nâng cao giá trị gia tăng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu là hoạt động quan trọng tối cần thiết để mở rộng thị trường, phát triển xuất khẩu hàng hóa. Vai trò của Xúc tiến thương mại cần phải chủ động tìm kiếm thị trường, định hướng cho sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, xúc tiến bán hàng, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Đó là những nghiệp vụ mà nông dân còn yếu kém nhưng lại là thế mạnh của các tổ chức xúc tiến thương mại.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu là hoạt động quan trọng tối cần thiết để mở rộng thị trường, phát triển xuất khẩu hàng hóa.
Sản xuất nông nghiệp đã có thể tạo ra lượng hàng hóa lớn nhưng tiêu thụ và xuất khẩu lại gặp nhiều khó khăn. Thực trạng đó đòi hỏi xúc tiến thương mại phải vào cuộc tham gia cho hàng hóa nông sản, từ thị trường trong nước đến thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, trong giai đoạn mới, theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, xúc tiến thương mại cần tập trung hoạt động chuyên sâu cho từng mặt hàng, cần thực hiện đồng bộ giữa kế hoạch sản xuất và phát triển thị trường.
Trong bối cảnh khó khăn về nguồn nguyên liệu ngày càng tăng, sự thu hẹp thị trường xuất khẩu là thách thức lớn… thì việc đẩy mạnh các sản phẩm giá trị gia tăng là yêu cầu cấp thiết, không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trong tương lai.
BCSI