Diễn đàn phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018

Diễn đàn phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018

Ngày 19/6 tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Diễn đàn phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018 nhằm đánh giá thực trạng bức tranh doanh nghiệp.


Diễn đàn cũng chỉ ra những tồn tại và kiến nghị để hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo dựng môi trường hoạt động an toàn, tiến bộ để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, bền vững hơn trong thời gian tới. 

110327_anh-19-6.JPG
Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018.

Đánh giá về bức tranh doanh nghiệp, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy trình khởi sự kinh doanh đối với doanh nghiệp được rút ngắn; từ năm 2017 đến nay gồm 8 bước và được hoàn thành trong 12 ngày làm việc (tức giảm 12 ngày so với năm 2016). 

Đến nay, thời gian trung bình để các tỉnh cấp đăng ký doanh nghiệp là 2,36 ngày làm việc (quy định là 3 ngày), trong đó có tới 40 tỉnh thực hiện trong 2 ngày. 

Năm 2016, cả nước có hơn 110.000 doanh nghiệp thành lập mới; năm 2017 có 127.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập và phong trào khởi nghiệp đang tiếp tục lan rộng, tạo hiệu ứng và chuyển biến tích cực, là kết quả tốt đối với đời sống kinh tế - xã hội...

Riêng 5 tháng đầu năm nay, nền kinh tế đón nhận thêm 52.322 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), muốn đạt mục tiêu như yêu cầu của Nghị quyết 19 của Chính phủ, môi trường kinh doanh Việt Nam cần phải tăng thêm 28 bậc nữa, để có thể đứng trong Top 40 thế giới.

Mặc dù, chỉ số này của Việt Nam tăng mạnh trong năm vừa qua nhưng thực tế đó cho thấy kết quả của các biện pháp nhằm thực hiện cải cách là chưa đạt mong muốn. Doanh nghiệp chưa được thụ hưởng những sự hỗ trợ, phục vụ như ý. 

“Các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp có thể tự hỏi, liệu bao lâu nữa, cần bao nhiêu thời gian để đạt được mục tiêu, nội dung của Nghị quyết 19...? Cần xác định rõ là áp lực thời gian là yếu tố và yêu cầu quan trọng hàng đầu với quá trình cải cách cũng như xác định việc xóa bỏ rào cản, vướng mắc cho doanh nghiệp chỉ là mục tiêu nhỏ, có tính chất ban đầu. Vấn đề chủ yếu là làm sao thúc đẩy doanh nghiệp ra đời, phát triển bền vững...”, ông Hiếu nhấn mạnh. 

Theo ông Hiếu, vấn đề là không chỉ cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh mà phải tạo ra sự đột phá, hướng đến những mục tiêu thiết thực và hỗ trợ doanh nghiệp thực chất. 

Điều này đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì liên tục từ các cấp điều hành, Chính phủ đến chính quyền các địa phương, bộ, ngành một cách đồng bộ... 

Đặc biệt, cơ quan quản lý cần xác định rõ tâm quan trọng, có tinh chất quyết định của việc lựa chọn biện pháp phù hợp và việc tổ chức để hiện thực hóa mục tiêu, yêu cầu đề ra. 

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế (VCCI) nhận định, môi trường kinh doanh đã được nâng cao chất lượng một bước đáng kể, đáng ghi nhận; nhận được phản hồi tích cực và đồng thuận từ phía dư luận và cộng đồng doanh nghiệp. 

Từ đó, niềm tin vào tương lai kinh doanh, khát vọng tham gia thị trường được củng cố và nâng lên một bước quan trọng, thể hiện rõ về việc gia tăng số lượng doanh nghiệp mới đăng ký thành lập. 

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp xác nhận thái độ ứng xử của cán bộ cơ quan chức năng với doanh nghiệp thân thiện và nhiệt tình hơn trước, trong khi mức độ chi phí không chính thức của doanh nghiệp tư nhân cũng giảm khá rõ trong năm 2017 vừa qua (từ 66% xuống 59%). 

Hàng loạt điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy định bất hợp lý đã được cơ quan quản lý rà soát, bãi bỏ mang lại sự hỗ trợ và thuận lợi hóa thiết thực đối với doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, thực tế cũng bộc lộ một số vấn đề đáng lo ngại, cần nhận diện rõ ràng để khắc phục càng sớm càng tốt. 

Đó là tình trạng quy mô trung bình của doanh nghiệp dân doanh ngày càng nhỏ, thiếu sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập và có sự cạnh tranh gay gắt. “Sức khỏe” của doanh nghiệp tư nhân nhìn chung vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể, các chuyên gia nhận xét. 

Ngoài ra, mức độ tham gia vào hoạt động xuất khẩu quốc gia, kết quả xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng thấp hơn hẳn so với các đơn vị thuộc khu vực khác. 

Hiện, doanh nghiệp tư nhân phải đối diện với nhiều yếu tố, quy định bất lợi về điều kiện kinh doanh. Đơn cử, các quy định về diện tích nhà xưởng, trang thiết bị chuyên dùng, quy định về nhân sự trong bộ máy quản lý, điều kiện về vốn hoạt động ...trong nhiều trường hợp lại bị đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn so với các đơn vị FDI hoạt động trong cùng lĩnh vực. 

"Bên cạnh đó, tâm lý và các ứng xử theo hướng tận thu, yêu cầu gia tăng sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân vào ngân sách vẫn tồn tại; đồng thời, còn có xu hướng tăng lên tại các cơ quan quản lý. Thuế luôn là gánh nặng, sức ép tài chính rất lớn đối với doanh nghiệp tư nhân…”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh./. 

Theo Bnews

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang