Doanh nghiệp phải là đầu tàu trong phát triển nông thôn mới

Doanh nghiệp phải là đầu tàu trong phát triển nông thôn mới

Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhưng đến nay vẫn chỉ có trên 4.000 doanh nghiệp nông nghiệp (chiếm dưới 1% tổng số doanh nghiệp của cả nước), trong đó có tới 50% doanh nghiệp siêu nhỏ (dưới 10 lao động).

 

Doanh nghiệp nông nghiệp vừa ít, vừa bé

Sáng 30/11, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức diễn đàn doanh nghiệp, doanh nhân đối với phong trào khởi nghiệp trong xây nông thôn mới. Diễn đàn có sự tham gia của đại diện 24 tỉnh, thành phố và nhiều doanh nghiệp. 

Đến nay, sau gần 7 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cả nước hiện có 2.853 xã (31,96%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, 41 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp cả nước. Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi. 

Bên cạnh đó, chương trình xây dựng  nông thôn mới trong giai đoạn 2010 - 2015 cũng đã khẳng định vai trò rất to lớn của doanh nghiệp. 

 

 

Diễn đàn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ảnh: H.V

Ông Ngô Tất Thắng, Phó chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, trong bối cảnh suy thoái của nền kinh tế, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn nhưng doanh nghiệp đã có những đóng góp rất tích cực vào xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tư duy phát triển nông nghiệp nhiều vùng nông thôn, điển hình như: Tập đoàn TH, Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk, Mía đường Lam Sơn, Bảo vệ thực vật An Giang…

Các doanh nghiệp này đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, bao tiêu sản phẩm, tham gia tích cực phát triển chuỗi giá trị, khai thác tốt hơn và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, tăng thu nhập… góp phần tích cực thúc đẩy tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đào tạo nên một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp hơn. 

Tuy nhiên, bên cạnh những tập đoàn lớn tham gia đầu tư nông nghiệp, thì phần lớn các doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam còn rất nhỏ. Tính đến giữa năm 2016, Việt Nam chỉ có trên 4.000 doanh nghiệp nông nghiệp (chiếm dưới 1% trên tổng số 420.000 doanh nghiệp của cả nước), trong đó có tới 50% doanh nghiệp siêu nhỏ (dưới 10 lao động), các doanh nghiệp này không có cấu trúc rõ ràng, mô hình quản lý sơ khai và đặc biệt không có chiến lược kinh doanh và kế hoạch sản xuất.

Bên cạnh đó, vẫn còn không ít chính sách chưa phù hợp hoặc thủ tục hành chính rườm rà gây khó khăn cho doanh nghiệp nông nghiệp phát triển.

Do vậy, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt câu hỏi, vì sao doanh nghiệp nông nghiệp mãi không phát triển, vừa ít, vừa thiếu. Cần lãm rõ những chính sách hiện tại về: Đất đai, tài chính… để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. 
   
Đồng bộ các chính sách

Theo các đại biểu tại diễn đàn, cần coi doanh nghiệp là đối tượng được phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tích cực để doanh nghiệp yên tâm đầu tư cho sản xuất - tiêu thụ nông sản.
 
Về chính sách đất đai, theo ông Ngô Tất Thắng, Phó chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, Chính phủ cần xác định giá đền bù ruộng đất cho nông dân thỏa đáng, nhằm đảm bảo cho người dân yên tâm sau khi giao đất cho doanh nghiệp. UBND các tỉnh phải là trọng tài trong các dự án giao đất cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp vừa phải trả tiền cho dân mua đất, vừa phải trả tiền thuê đất.

Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ông Thắng cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều rủi ro. Do vậy, cần hỗ trợ doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng, có gói tín dụng riêng cho vay đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hỗ trợ ít nhất 30% phí bảo hiểm nông nghiệp cho doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Thắng cho rằng cần hỗ trợ thêm về xúc tiến thương mại, khoa học kỹ thuật, chi phí đào tạo nghề…

Còn theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương), chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thiếu tính đồng bộ, đơn lẻ, phương pháp xây dựng chính sách còn chậm đổi mới. Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, hoàn thiện hệ thống thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp; đồng thời cần cải thiện về thủ tục hành chính, hiện là một trong những hạn chế. Vì thống kê, có 79,2% doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có chính sách thông thoáng hơn. 

Bên cạnh đó, ông Tiến cũng chia sẻ: “Chúng tôi vừa đi Pháp tham quan các mô hình doanh nghiệp nông nghiệp. Ở đây, các hộ gia đình vừa là doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm của mình, vừa tham gia các liên minh hợp tác xã. Do vậy, cần thay đổi nhận thức về hợp tác xã và doanh nghiệp, các đối tượng này có thể kết hợp với nhau để cùng phát triển nông nghiệp, tạo ra đội ngũ nông dân chuyên nghiệp”.   

Theo Báo tin tức

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang