Vấn đề được đề cập tại hội thảo “Đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và phát triển kinh tế tư nhân (KTTN)” do Trung tâm thông tin (Ban kinh tế TW) và Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức chiều nay, 30/5.
Doanh nghiệp tư nhân- Mãi không lớn
Theo PGS.TS Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục phát triển DN, Bộ KH&ĐT, cùng với quá trình tái cấu trúc DNNN. khu vực DN tư nhân trong nước ngày càng đảm đương vai trò quan trọng hơn trong việc đạt được các mục tiêu KT-XH của đất nước.
Cụ thể, khu vực KTTN có đóng góp nhiều nhất vào GDP với 43,22%, trong khi khu vực DNNN chỉ đóng góp 28,69%, DN FDI là 18,07% . Đây cũng là khu vực DN thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội lớn nhất với 39%, trong khi khu vực DNNN là 37,5% và khu vực FDI là 23,49%. Tuy nhiên, “thành tựu” đáng kể nhất của khu vực DN này là tạo việc làm cho người lao động, với tỷ lệ 11,9% việc làm, trong khi khu vực DNNN và DN FDI lần lượt là 9,8% và 4,4%. Điểm yếu nhất của khu vực KTTN chính là tỷ suất lợi nhuận của khu vực DN này còn rất thấp, chỉ 1,72% trong khi khụ vực DNNN là 6,04% và khu vực DN FDI là 6,95 %.
Đáng chú ý, theo ông Hùng, quy mô của DN tư nhân vẫn nhỏ và không có sự cải thiện qua nhiều năm. Cụ thể, theo quy mô lao động, có tới 97,7% số DN có quy mô nhỏ và vừa, xét về quy mô vốn, tỷ lệ DN có quy mô vốn nhỏ và vừa chiếm tới 94.8%. Nếu chỉ xét khu vực DN tư nhân trong nước thì có tới 98,6% là quy mô nhò và vừa, trong đó chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, tỷ lệ DN quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%.
Theo TS.Phạm Minh Điển – Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp Ban Kinh tế TW, đáng lo ngại là tốc độ tăng trưởng của KTTN có xu hướng giảm trong những năm gần đây; năng lực nội tại của KTTN nhìn chung còn thấp, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, cá thể, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới; trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn yếu…
Bên cạnh đó, khả năng liên kết với các thành phần kinh tế khác và tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực và toàn cầu còn nhiều hạn chế. Tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm… còn diễn biến phức tạp.
Rào cản lớn nhất: Tư duy
Rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra cho căn bệnh “chậm lớn” của DN tư nhân như do khu vực này vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản, cả về tư duy lý luận lẫn khung khổ pháp luật, điều tiết, cơ chế chính sách và thực thi cơ chế chính sách trên thực tế cũng như môi trường kinh doanh và năng lực nội tại của chính khu vực này…
Theo PGS.TS.Nguyễn Hồng Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc gia, KTTN chưa muốn lớn và chưa lớn được ,nguyên nhân lớn nhất là rào cản về tư duy và định kiến, khi vẫn có quan điểm đề cao vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa. “Những điều này đang có nguy cơ lạm dụng trên thực tế, tạo ra sự bất bình đẳng, lợi ích nhóm, khó xây dựng được một môi trường và hệ sinh thái khuyến khích khởi nghiệp và phát triển DN”, ông Sơn nói.
PGS.TS Trần Đình Thiên đặc biệt nhấn mạnh mối quan hệ giữa KTTN với kinh tế nhà nước. Theo ông, chỉ có đổi mới DNNN mới tạo không gian cho khu vực KTTN phát triển. Ông cũng đề nghị cần làm rõ hơn vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ Nhà nước – thị trường phù hợp với kinh tế thị trường. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhấn mạnh mối quan hệ giữa hai khu vực kinh tế này là vừa cạnh tranh, vừa liên kết, trong đó quan trọng là phải làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các DN thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm DN thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, cần có những hành động thực sự để DN bé phải liên kết được với nhau, DN lớn phải kết nối với DN toàn cầu tạo nên một lực lượng DN Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô và chất lượng.
Được biết, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII đã thống nhất và nhất trí cao ban hành 3 Nghị quyết quan trọng về kinh tế, trong đó có Nghị quyết về: “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN”; Nghị quyết về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Các Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ tháo được nút thắt phát triển KTTN hiện nay.
Theo Báo Pháp Luật