NHNN vừa phát đi thông báo về việc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế với mức điều chỉnh từ 0,2% đến 0,5%. Đánh giá về nguyên nhân của động thái này TS Võ Trí Thành cho rằng: “Việc NHNN hạ một số lãi suất điều hành, lãi suất công cụ không phải là động thái mới, vì cách đây đây 2 tháng NHNN đã phát đi tín hiệu khi giảm lãi suất 0,25%. Bước đi trước đó là tín hiệu giảm nhưng còn thận trọng. Còn ở thời điểm hiện tại, hành động của NHNN có phần mạnh mẽ hơn.
Để hiểu vì sao ở thời điểm hiện tại NHNN lại giảm lãi suất, hãy nhìn vào những điểm sau.
Một là xu hướng thế giới, kinh tế thế giới đang có xu hướng tăng trưởng giảm tốc, cùng với đó, rất nhiều nước phần nào đó đi vào nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất.
Hai là nhìn vào trong nước thì ở thời điểm hiện tại, dự báo lạm phát chỉ khoảng 3-3,5% (thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là dưới 4%). Cùng với đó là áp lực đồng USD không lớn. Cụ thể, khi Fed giảm lãi suất, đồng USD sẽ không còn nhiều áp lực tăng giá; thặng dư thương mại lớn, dự trự ngoại hối tăng làm giảm đáng kể áp lực với tỉ giá.
Nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể thấy, tăng trưởng 3 quý đạt 7,31%, nhưng cả năm dự báo chỉ đạt khoảng 6,8%. Điều đó chứng tỏ có một số dấu hiệu chưa chắc chắn để tang trưởng quý 4 cao như các năm trước. Điều này có thể xuất phát từ, tăng trưởng một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo với một số ngành khác không cao như kì vọng, cùng với đó là vấn đè giải ngân đầu tư công rất chậm.
Phân tích như vậy, để thấy, ở thời điểm hiện tại hội tụ đủ các điều kiện để giảm lãi suất khi áp lực giảm đi và tăng trưởng nền kinh tế cần được hỗ trợ.
Vậy giảm 0,5% lãi suất liệu NHNN có “quá tay”?
Theo tôi là không, vì tăng trưởng tín dụng 9 tháng mới đạt 8,64% với dự báo cả năm chỉ đạt trên 13% (Con số này quá thấp so với mục tiêu quanh mức 14%). Vì thế nếu có “lỏng tay” một chút thì tăng trưởng tín dụng cả năm cũng khó vượt 14%. Cùng với đó, một vài ngân hàng đã cạn room tín dụng, còn một số ngân hàng đã đạt chuẩn Basel 2 thì được “thưởng” thêm mức tín dụng vì quản trị tốt hơn.”
Bàn về thanh khoản của những tháng cuối năm, Viện trưởng nhận xét: “Có thể ở thời điểm hiện tại, một số ngân hàng vẫn đang huy động kì dài hạn với lãi suất cao. Lí do có thể là để đáp ứng được yêu cầu vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn hoặc đáp ứng yêu cầu vốn. Tuy nhiên, tình trạng này không đáng lo ngại, vì một số ngân hàng yếu kém đã nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN.
Cùng với đó, trong những năm gần đây năng lực bơm hút tiền của NHNN khá nhuần nhuyễn. Ví như dù dự trữ ngoại tệ tăng mạnh, đáng ra tiền đồng phải ngập tràn, nhưng chúng ta vẫn hút về tốt, đảm bảo mục tiêu cung tiền, vừa đảm bảo thanh khoản từng thời điểm cho ngân hàng. Mục tiêu cuối cùng của NHNN là ổn định hệ thống, ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng.
Như vậy, có thể thấy động thái giảm lãi suất của NHNN ở thời điểm hiện tại là phù hợp. Các ngân hàng thương mại cũng hiểu được “dụng ý” của NHNN và hưởng ứng không mấy khó khăn. Đó là tín hiệu tốt.”
Trong nhiều năm trở lại đây, có một vấn đề vẫn “âm thầm” diễn ra đó là: tăng trưởng GDP của Việt Nam đã dần bớt phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng khi tăng trưởng GDP liên tục đạt mức cao, còn tăng trưởng tín dụng thì liên tục giảm tốc. TS Võ Trí Thành nói thêm về ván đề này: “nhìn vào tăng trưởng tín dụng từ giai đoạn phục hồi kinh tế, đạt 18% (năm 2015, 2016) thì giảm dần xuống mức 17%, 16%, 15% từng năm sau đó và đến năm nay và năm sau mục tiêu có thể vẫn chỉ quanh mức 14%. Trong khi đó tăng trưởng kinh tế phục hồi từ 2015, mức tăng khá đều và chưa giảm tốc.
Trước thực tế này, có 2 lập luận. Một cho rằng chất lượng tín dụng đã tốt hơn, tạo giá trị sản xuất kinh doanh, “tiền” đã đi vào đúng việc, đúng chỗ. Điều này thể hiện ở tín dụng tăng trưởng tốt ở các lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu vào lĩnh vực sáng tạo công nghệ. Bên cạnh đó là nỗ lực của NHNN trong tăng cường giám sát luồng tín dụng chảy vào các lĩnh vực có rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản.
Lập luận 2 cho rằng, đúng là tín dụng có tốt hơn, nhưng không đủ lớn, bởi xuất khẩu của chúng ta phụ thuộc chủ yếu vào khu vực FDI. Mà FDI không phụ thuộc nhiều vào tín dụng trong nước, vì thế tăng trưởng xuất khẩu, tạo tăng trưởng GDP không phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng.
Như vậy, có thể kết luận rằng, việc tăng trưởng GDP không còn quá phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá hài lòng về kết quả này mà cần có nghiên cứu cụ thể hơn về mối liên hệ giữa tín dụng và tăng trưởng, cùng với đó là mối quan hệ của tăng trưởng, tín dụng với các lĩnh vực khác nhau.”