Khắc khoải bài toán gia tăng giá trị xuất khẩu

Khắc khoải bài toán gia tăng giá trị xuất khẩu

Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu trên cả nước đạt 176,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015. Mặc dù vậy, hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu hầu như không gia tăng tương ứng, thậm chí còn có xu hướng chững lại. Vì vậy, bài toán nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu năm 2017 cần một lời giải triệt để. 


Thống kê cũng cho thấy, năm qua, tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, với hơn 24 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Khắc khoải bài toán gia tăng giá trị xuất khẩu

Ở nhóm hàng công nghiệp, Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công, nên phần giá trị gia tăng còn rất thấp

Kết quả này dù tương đối khả quan so với các năm trước, nhưng Bộ Công thương cho rằng, giá trị gia tăng tại những nhóm ngành hàng chủ lực như nông sản, thủy sản, điện tử gia dụng, điện tử công nghệ cao... vẫn còn thấp và chưa có sự cải thiện đáng kể.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), 176 tỷ USD doanh số xuất khẩu năm 2016, với mức tăng 9% là một nỗ lực rất lớn của xuất khẩu Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế ngày càng gay gắt, cũng như bất lợi về điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, yếu tố làm nên sự tăng trưởng “nóng” này chủ yếu vẫn dựa trên tăng số lượng, sản lượng, nhưng chưa sâu về chất lượng và hàm lượng chế biến, nên giá trị gia tăng đạt được không nhiều.

“Nếu không nâng cao được hàm lượng, thì năng lực như hiện nay (9%) đã là ‘tới hạn’, khó có thể tăng hơn”, ông Hải nói.

Lấy dẫn chứng là mặt hàng cà phê, một trong những mặt hàng nông sản trong nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay, ông Hải cho biết, theo tính toán, trong 1 tách cà phê sản xuất ra với trị giá ước khoảng 24.000 đồng, thì phần giá trị gia tăng thu về của Việt Nam chỉ 3.000-4.000 đồng.

Còn theo tính toán của PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (Bộ Công thương), cà phê của Việt  Nam tuy xuất khẩu nhiều về số lượng, nhưng chỉ bán được với giá 2 USD/kg, trong khi người tiêu dùng thế giới mua với giá 200 USD/kg.

Hay như ở nhóm hàng công nghiệp, vốn chiếm tới 80% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu vẫn là gia công, nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài về lắp ráp, khâu vá..., để đưa ra sản phẩm. Nên dù tham gia vào một số chuỗi cung ứng toàn cầu như giầy dép, điện thoại..., nhưng phần giá trị gia tăng ở Việt Nam còn rất thấp.

“Trong mỗi chuỗi cung ứng thường có 1 ‘cái chốt’, nhưng sản xuất công nghiệp của Việt Nam chưa phải là người giữ chốt, mà chỉ là một trong những mắt xích và là phía phụ thuộc. Ta cần trở thành người giữ chốt ở một số mặt hàng nào đó thì mới giải quyết được bài toán nâng giá trị gia tăng xuất khẩu”, ông Hải lý giải. 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Cao su Hà Nội cho rằng, để giải được bài toán này, một trong những hướng đi chiến lược mà doanh nghiệp cần xác định là phải tìm cách thâm nhập và tham gia vào vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn ở những khâu có giá trị gia tăng cao, nhằm xây dựng thương hiệu của chính mình với vai trò là nhà sản xuất và mang lại niềm tin cho các tên tuổi lớn khi họ đăt hàng.

Để làm được điều này, theo ông Việt, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm trên cơ sở nghiên cứu thị trường, có chiến lược đầu tư hợp lý và mạnh dạn đổi mới công nghệ. Với vai trò “bà đỡ”, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ về chiều sâu, để giúp doanh nghiệp đạt hiệu quả theo từng lĩnh vực và theo vùng.

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT FPT Software

Có thể làm một bài toán so sánh, hiện Việt Nam xuất khẩu hơn 30 tỷ USD điện thoại, nhưng nhập khẩu cũng đã 25 tỷ USD, tương đương trong 100 USD giá trị xuất khẩu thì chỉ có khoảng 20-30 USD do người Việt làm ra. Điều này cho thấy, phần giá trị gia tăng Việt Nam làm được rất thấp. Ngành chính như lúa gạo thì giá trị gia tăng do nông dân làm ra chiếm 50%, còn lại là nhập phân bón, thuốc trừ sâu. Hơn nữa, nếu chỉ xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo thì ổn, nhưng hơn thì thừa.

Trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, ước tính, cứ 100 USD xuất khẩu thì có 84-86 USD do người Việt Nam làm ra. Như vậy, xét về giá trị gia tăng của ngành này là rất ổn. Thị trường phần mềm toàn cầu có doanh số 994 tỷ USD, song năm 2016, chúng tôi mới chỉ làm được 230 triệu USD. Đây là thị trường không giới hạn, vấn đề chỉ là năng lực của chúng ta mà thôi.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang chuyển dịch mọi lĩnh vực. Cả thế giới đang chuyển dịch nhu cầu ngày càng cao, tối thiểu là trong 15 năm tới. Tôi cho rằng, việc tập trung nghiên cứu đầu tư vào xuất khẩu phần mềm là hướng đi khả thi, hoàn toàn có thể lựa chọn để nâng cao giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Tinnhanhchungkhoan

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang