Trên thế giới, hiện đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệuquốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài. Nhưng theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, gần như không bao giờ bắt gặp logo biểu trưng "Vietnam Value" khi theo dõi các kênh truyền hình quốc tế như CNN, BCC hay Bloomberg,... nhưng logo của thương hiệu Thái Lan và Singapore thì xuất hiện khá dày.
Toàn cảnh hội thảo "Thương hiệu với hội nhập và Phát triển xuất khẩu bền vững" (Ảnh: Hạ An)
Điều này cho thấy, các quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã đầu tư rất mạnh và rất bài bản vào việc phát triển thương hiệu quốc gia và quảng bá nó gắn liền với cụm từ hàng hóa quốc gia. Vậy mà hàng hóa Việt Nam vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng trên thế giới biết đến.
Tại hội thảo "Thương hiệu với hội nhập và Phát triển xuất khẩu bền vững" ngày 20/4, ông Phú cho biết: "Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng trên thị trường quốc tế, nhưng các thương hiệu Việt Nam vẫn luôn bị lấn át bởi thương hiệu nước ngoài trên chính thị trường nội địa, bị đối thủ cạnh tranh xâm hại quyền sở hữu trí tuệ, khai thác bất hợp pháp trên thị trường quốc tế".
"Điều này đòi hỏi một chương trình xây dựng thương hiệu cấp quốc gia nhằm tăng cường nhận thức và hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ, quảng bá và phát triển thương hiệu vừa là cấp bách vừa là chiến lược phát triển bền vững cho xuất khẩu", ông Phú nêu quan điểm.
Mặt khác, trong bối cảnh hàng hóa, thương hiệu Việt Nam đang tìm kiếm chỗ đứng vững vàng trên thị trường thế giới, việc hợp tác giữa nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nhằm xây dựng một hình ảnh chung cho hàng hóa Việt Nam và quảng bá thương hiệu chung đó một cách mạnh mẽ trên thị trường quốc tế và trong khu vực là một cách làm tiết kiệm thời gian chi phí và đem lại hiệu quả cao hơn việc xây dựng thương hiệu tự phát, lẻ tẻ.
Doanh nghiệp Việt sợ cạnh tranh?
Các diễn giả tại hội thảo
Đặc biệt, Việt Nam hiện đang ký kết và đàm phán tổng cộng 17 hiệp định FTA với các quốc gia và khu vực bên cạnh việc tham gia vào các hiệp định hoặc tổ chức thương mại tự do rất lớn như WTO hay mới đây là CPTPP.
Song dường như "doanh nghiệp Việt dường như có tâm lý sợ cạnh tranh", ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương nhận xét.
"Trên thực tế những doanh nghiệp Việt xây dựng thương hiệu bài bản ngay từ đầu có thể cạnh tranh rất tốt, nhiều thương hiệu quốc tế trong lĩnh vực bia hay nước hoa hay đã bị "đẩy lùi" bởi thương hiệu Việt, ông Khanh cho biết.
Xây dựng thương hiệu mạnh để hết mặc cảm
Việc tham gia vào các Hiệp định thương mại quốc tế sẽ mang lại cơ hội rất lớn nhưng thách thức còn lớn hơn thế nếu Việt Nam không có thương hiệu mạnh. Theo ông Khanh, 3 điểm yếu nhất của doanh nghiệp Việt khi tham gia vào thị trường quốc tế chính là: Không có tư duy chủ động, thiếu sự liên kết hợp tác và kém hiểu biết về các cam kết quốc tế.
Lấy ví dụ cho vấn đề này, ông Khanh tiết lộ đã từng biết một doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng hạt điều rất lớn, dù không đủ nguyên liệu để đáp ứng đơn hàng nhưng cũng không chịu hợp tác liên kết với các doanh nghiệp khác và đã phải bồi thường hợp đồng. "Hay theo điều tra của Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) chỉ có 20% doanh nghiệp biết về CPTPP mà chưa phải là hiểu biết sâu sắc", ông Khanh chỉ ra.
Đồng quan điểm với ông Khanh, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng nhận định: "FTA không đơn thuần chỉ là để tiếp cận thị trường mà đó còn cơ hội cho cả Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam chơi với "những người lớn". Nhờ đó doanh nghiệp Việt có thể học hỏi được rất nhiều nhưng cần chủ động kết nối và xây dựng thương hiệu, bởi chỉ có thương hiệu mạnh mới tránh được mặc cảm khi hội nhập vào thị trường quốc tế".
Theo Bizlive
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI