1. Các công ty công nghệ tiếp tục đổ xô lên sàn chứng khoán
Năm 2018 đã có nhiều công ty công nghệ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Dự kiến 2019 sẽ là một năm xu hướng này bùng nổ hơn nữa khi các startup kỳ lân khổng lồ với mức vốn hóa lên tới 100 tỷ đô la Mỹ như Uber, Airbnb hay Pinterest bắt đầu đặt chân lên sàn chứng khoán.
Thị trường chứng khoán sẽ tiếp nhận nhiều sự lựa chọn hơn đến từ các doanh nghiệp nặng ký của Trung Quốc. Những cái tên đáng chú ý nhất phải kể đến như tập đoàn tài chính Ant Financial Group của Alibaba, công ty cung cấp dịch vụ gọi xe trực tuyến Didi Chuxing hay công ty môi giới chứng khoán trực tuyến Futu.
Tuy vậy tình hình kinh tế không mấy sáng sủa có thể trở thành gánh nặng kiềm hãm giá trị vốn hóa công ty, vì vậy nhiều kỳ lân có thể sẽ chọn trì hoãn IPO để bảo toàn giá trị của mình.
2. Ngành bảo hiểm bước chân vào kỷ nguyên số
Thị trường của các công ty bảo hiểm trong năm 2019 sẽ mở rộng sang các thành phố thông minh, phương tiện giao thông tự lái và những nơi sinh hoạt chung. Các sản phẩm cũng ngày một đa dạng hơn: bảo hiểm cho các không gian làm việc chung, cho cá nhân làm việc tại nhà và rủi ro an ninh mạng. Chưa kể sự xuất hiện và phát triển của các công nghệ mới như blockchain, thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) cùng trí thông minh nhân tạo (AI) sẽ mang đến cho ngành bảo hiểm nhiều cơ hội mới. Ngoài ra đà đẩy của ngành bảo hiểm còn đến từ việc tự động hóa, chuyển hóa hệ thống lõi cùng sự dịch chuyển trong văn hóa và nhân sự của các doanh nghiệp.
Hơn nữa, một khi hoạt động kinh doanh của con người trong công ty bảo hiểm được thay thế nhiều hơn bởi máy móc và các công ty này liên kết chặt chẽ với công ty quản lý dữ liệu, các công ty bảo hiểm sẽ thích ứng nhanh chóng hơn với nhu cầu của thế hệ khách hàng tiếp theo.
3. Các mô hình kinh doanh B2B tận dụng dữ liệu lên ngôi
Năm 2019 sẽ chứng kiến sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) tận dụng dữ liệu tại những khối ngành mới, chẳng hạn như sản xuất xe hơi, chăm sóc sức khỏe, Internet vạn vật (IoT) và hàng không vũ trụ. Đầu tư vào các sáng kiến khai thác và sử dụng thông tin cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Đế có thể tận dụng thông tin và biến chúng thành lợi nhuận, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần phải phát triển các tính năng của sản phẩm sao cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng, đưa ra được các mô hình kinh doanh và định giá mang tính đổi mới.
Về phía khách hàng doanh nghiệp, nhờ tận dụng các sản phẩm và dịch vụ thông tin, họ sẽ tiết kiệm được chi phí thu thập và lưu trữ thông tin, từ đó sử dụng thông tin một cách sáng tạo và hiệu quả hơn.
4. Thương mại điện tử tiếp tục mở rộng
Thương mại điện tử tương lai sẽ tập trung vào dịch vụ. Ba xu hướng sau sẽ giúp các thị trường trao đổi mua bán trên mạng Internet tiếp tục phát triển:
Thứ nhất là sự tồn tại của năm tỉ thiết bị di động được kết nối Internet cùng 230 tỉ lượt tải ứng dụng dự kiến sẽ xảy ra trong năm 2019. Điều này sẽ tạo mảnh đất màu mỡ cho các mô hình thị trường dành riêng cho các thiết bị di động phát triển. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ trở thành những quốc gia tiên phong bởi đây là hai nước có số người sử dụng thiết bị di động đông đảo nhất.
Thứ hai, các công nghệ tân tiến như blockchain sẽ biến đổi hệ thống thanh toán trực tuyến, giúp chúng trở nên đáng tin cậy, an toàn và thuận tiện hơn.
Thứ ba, sự phát triển của nền kinh tế sẽ giúp các thị trường cung cấp dịch vụ số phát triển và trở nên đa dạng hơn nữa.
Bên cạnh đó, xu hướng cá nhân hóa cũng sẽ giúp các thị trường dịch vụ đặc thù như chăm sóc sức khỏe hay gọi xe trực tuyến phát triển.
5. Thời đại của điện toán ranh giới đang tới
Sau điện toán đám mây, điện toán ranh giới (edge computing) đang thu hút được sự chú ý của rất nhiều nhà đầu tư lớn, chẳng hạn như Posche, Softbank hay Berkshire Hathaway của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet. Công nghệ này hứa hẹn sẽ mang đến những thay đổi mang tính cách mạng cho việc lưu trữ và xử lý thông tin, đặc biệt là khi IoT ngày một phát triển. Hiện tại một số ngành như quốc phòng hay y tế đã bắt đầu tận dụng công nghệ mới này.