Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến. Một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo Luật lần này là đề xuất đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp trong lần sửa đổi năm 2019.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc - chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, hiện có 1,6 triệu hộ cá nhân kinh doanh cá thể mà cơ quan thuế đang quản lý, cấp mã số thuế và 3,4 triệu hộ không có đăng ký kinh doanh.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico, cho rằng không nên yêu cầu hộ kinh doanh phải chuyển đổi, mà phải thừa nhận những hộ đã có đăng ký kinh doanh (với 1,6 triệu hộ) khi đạt đến quy mô nhất định là một loại hình doanh nghiệp.
Còn với 3,4 triệu hộ kinh doanh còn lại chưa có đăng ký kinh doanh vì quy mô nhỏ, theo ông Đức, cần phải có yêu cầu bắt buộc là đăng ký kinh doanh.
Vấn đề đặt ra khi chuyển đổi là chưa nên đòi hỏi thay đổi với hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm đang được miễn thuế, mà các hoạt động như kế toán cần duy trì như cũ hoặc nâng cấp nhưng vẫn phải đơn giản hơn so với chế độ kế toán với doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thành viên ban soạn thảo Luật doanh nghiệp - cho rằng việc đưa hộ kinh doanh vào luật hay không không quan trọng, bởi đó chỉ là yếu tố kỹ thuật. Vấn đề quan trọng là sẽ xây dựng nội dung, cơ sở pháp lý thế nào để tạo đà phát triển khu vực hộ kinh doanh. Ông Hiếu tiết lộ tuần sau sẽ có dự thảo đầu tiên về khung pháp lý mới cho hộ kinh doanh để có góp ý sát thực hơn. Khung này có đưa vào dự thảo Luật doanh nghiệp sửa đổi hay không sẽ được tiếp tục tính toán.
Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, khu vực doanh nghiệp Việt Nam chỉ bao gồm hơn 700 nghìn doanh nghiệp đóng góp khoảng 8% GDP, trong khi đó khu vực hơn 5 triệu hộ kinh doanh đóng góp 30% GDP tạo ra khoảng 10 triệu việc làm cho nền kinh tế.
Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh (Tổng cục Thuế) chia sẻ, hiện đang có một thực tế hộ kinh doanh nếu thua lỗ thì phải tự giải thể, còn có lãi thì cơ quan thuế đến thu, hay những hỗ trợ về tài chính… đều chưa bao giờ được quan tâm.
Nói về khái niệm hộ kinh doanh, bà Lan lý giải, ngành thuế lâu nay rất “vất vả” khi phải giải thích khái niệm “hộ kinh doanh” trong các văn bản pháp luật về thuế. Với thông lệ quốc tế, ở nước ngoài chỉ có cá nhân kinh doanh mà không có hộ kinh doanh.
Chính điều này đã khiến cho các văn bản pháp luật về thuế phải “đeo” thêm từ “hộ, cá nhân kinh doanh”. Nếu bỏ từ “hộ” ra khỏi luật thuế thì sẽ bị “chất vấn”, nhưng thực từ nhiều năm nay khi tiếp cận trong quản lý thuế thì vẫn “ngầm hiểu” là cá nhân kinh doanh.
“Chúng tôi tiếp cận với cá nhân, chủ thể chịu trách nhiệm toàn bộ về tài sản, nợ…Cho nên nếu có sửa Luật Doanh nghiệp thì cũng nên sửa hộ kinh doanh, vì tên này cũng khá cũ, từ “hộ” thường gắn với hộ gia đình. Tuy nhiên, đến thời điểm này cá nhân kinh doanh không chỉ gắn với quy mô gia đình mà còn liên quan đến thương mại điện tử”, bà Lan nói.
Vẫn theo bà Lan, các quy định của Luật Doanh nghiệp hiện nay đối với hộ kinh doanh có những điều khoản không có chế tài xử lý nhưng vẫn quy định trong luật, khiến ngành thuế phải “đuổi” theo. Đơn cử, hộ kinh doanh không được thành lập ở nhiều nơi, hộ kinh doanh không được phép nghỉ quá 12 tháng, hộ kinh doanh không được phép có trên 10 lao động…
Đưa ra quan điểm chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, bà Lan cho rằng, nên tôn trọng sự đa dạng trong các thành phần kinh tế và cũng theo thông lệ quốc tế. Do đó vẫn nên để cá nhân kinh doanh, về phía ngành thuế cũng đã có những sửa đổi từ năm 2015 đến nay theo định hướng phân loại hộ lớn hộ nhỏ, và cố gắng “hạ doanh nghiệp siêu nhỏ xuống, nâng hộ kinh doanh lớn lên”.
Dưới góc nhìn của cơ quan đăng ký kinh doanh, ông Nguyễn Hải Hùng – Phó trưởng phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, về địa vị pháp lý khi giải quyết thủ tục chuyển đổi, ông Hùng nhận thấy hộ kinh doanh hiện nay chưa được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp, mà chỉ được quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP và Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 78/2015/NĐ-CP, tuy nhiên 2 nghị định này cũng chưa quy định về thủ tục pháp lý chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp mà chỉ có trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ông Hùng nhìn nhận, bản chất của hộ kinh doanh cũng giống doanh nghiệp tư nhân, nhưng ở quy mô nhỏ hơn, thậm chí siêu nhỏ. Hiện nay trong thực tiễn công tác đăng ký kinh doanh, quy định về thành lập doanh nghiệp tư nhân còn nhiều hạn chế. Doanh nghiệp tư nhân thường thành lập ở lĩnh vực làng nghề, vàng bạc trang sức, nhưng họ lại lựa chọn mô hình công ty TNHH MTV.
“Như vậy, quy định về doanh nghiệp tư nhân tác dụng chưa nhiều, đây là điều cần phải suy nghĩ khi tiến hành sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư trong thời gian tới”, ông Hùng nói.
Lý giải vì sao ít hộ kinh doanh chọn chuyển đổi lên doanh nghiệp, về phía cơ quan đăng ký kinh doanh ông Hùng nhận thấy, cách đánh thuế và thu thuế đối với hộ kinh doanh là nộp thuế khoán, đơn giản hơn rất nhiều so với việc kê khai thuế của doanh nghiệp. Tiếp đó là mô hình tổ chức phức tạp hơn, phát sinh thêm nhiều chi phí. Việc chuyển đổi không cho thấy sự hấp dẫn hơn đối với hộ kinh doanh như tiếp cận thị trường, vốn, quản trị…