Mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực thương mại điện tử của nước ta vẫn liên tục tăng trưởng. Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư phát triển các kênh bán hàng trực tuyến, đây được xem là phù hợp với thị hiếu, tiếp cận khách hàng hiệu quả và nhanh hơn.
Báo cáo thương mại điện tử Đông Nam Á của tổ chức OpenGov Asia công bố gần đây cho biết, Việt Nam và Thái Lan đã nổi lên là 2 thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Trong 4 năm qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 16-30% cao nhất thế giới.
Hiện nay, ưu điểm lớn nhất của thương mại điện tử là giúp hàng hoá có thể đi thẳng từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, giảm bớt khâu trung gian. Khách hàng vì thế được mua với giá rẻ hơn mà lại thuận tiện hơn trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Như chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thảo, một người kinh doanh ở Nam Định, trước khi dịch COVID-19, doanh nghiệp của chị vẫn bán hàng theo hình thức truyền thống, cụ thể là bán buôn cho thương lái ở các chợ đầu mối. Nhưng sau dịch COVID -19, khi thấy mô hình này không còn phù hợp nữa, chị bắt đầu tìm hiểu về sàn thương mại điện tử.
"Cùng thời điểm đó, Shopee có gửi lời mời tham gia chương trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt qua thương mại điện tử. Sàn điện tử cung cấp đầy đủ dịch vụ bán hàng, marketing, kể cả vận chuyển. Chúng tôi có thể tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng tay nghề sản phẩm”, chị Thảo cho biết.
Chưa bao giờ nền kinh tế số - hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng như hiện nay, tạo ra hàng triệu việc làm cả trực tiếp và gián tiếp.
Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hiện nay, hơn một nửa doanh nghiệp trên cả nước đã triển khai các kênh bán hàng trực tuyến, 44% số doanh nghiệp được hỏi đã xây dựng các trang web, 58% số doanh nghiệp có bán hàng thông qua mạng xã hội và hơn 24% các doanh nghiệp đã tham gia các sàn thương mại điện tử. Sự chuyển dịch trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang tạo áp lực buộc doanh nghiệp phải thay đổi phương thức cũng như chiến lược kinh doanh của mình.
TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đánh giá thương mại điện tử có tiềm năng, cơ hội vô cùng lớn, không phải ngẫu nhiên mà chúng ta coi chuyển đổi số, coi phát triển kinh tế số là thời cơ vàng cho Việt Nam là một nước đi sau để có thể bắt kịp, để có thể đi cùng với thời đại, với các nước.
"Thương mại điện tử là bộ phận cấu thành rất quan trọng của nền kinh tế số. Đây là lĩnh vực gắn liền tốt nhất "ảo" với "thực". Đôi khi chúng ta nhìn thế giới ảo, thế giới số tách rời thế giới thực mà điều quan trọng nhất của kinh tế số chính là để cho kinh tế thực phát triển”, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.