Theo Eurocham, Việt Nam cần xác định những chính sách ưu tiên trong thời gian tới để cải thiện môi trường kinh doanh, phục hồi niềm tin cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.
Ngày 18/1 tại Hà Nội, Eurocham vừa tổ chức Hội thảo chuyên sâu về kinh tế Việt Nam quý 3 và tác động kinh tế xã hội của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với các ngành công nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham) cho biết, theo các con số chính thức, kinh tế Việt Nam đã phục hồi tích cực trong quý 3 năm 2024, với GDP trung bình của 9 tháng đầu năm 2024 đạt 6,8%.
Ông Minh cho biết, EuroCham mới đây công bố báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) Quý 3 năm 2024 phân tích đánh giá của 1.400 doanh nghiệp Châu Âu làm ăn tại Việt Nam cũng đã phản ánh tín hiệu tích cực trong tâm lý kinh doanh dù vẫn còn những thách thức kinh tế do hậu quả của bão Yagi và những rào cản trong vận hành DN.
Theo báo cáo, đã có sự tăng nhẹ chỉ số BCI, từ 45,1 điểm phần tram trong quý 2/2024 lên 52 điểm phần tram quý 3/2024, cho thấy tâm lý lạc quan nhưng thận trọng vẫn đang tồn tại trong cộng đồng doanh nghiệp. Động lực này, kết hợp với sự gia tăng đáng kể của GDP trong nửa đầu năm 2024, báo hiệu một sự phục hồi sớm của thị trường, dù còn khá mong manh.
Nhiều doanh nghiệp tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ ổn định và cải thiện trong quý tới (42 điểm phần trăm trong quý 3 so với 40 điểm phần trăm trong quý 2) , trong khi số doanh nghiệp cho rằng nền kinh tế sẽ suy yếu trong giai đoạn này giảm nhẹ (9 điểm phần trăm trong quý 3 so với 10 điểm phần trăm trong quý 2).
Tuy nhiên các doanh nghiệp Châu Âu vẫn có những lo ngại về các thách thức khi làm ăn tại Việt Nam, tập trung vào các thách thức địa chính trị và khó khăn trong việc vận hành.
Khảo sát cho thấy 3 trở ngại lớn nhất trong hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu là gánh nặng hành chính, quy định chưa rõ ràng và khó khăn trong việc xin giấy phép.
Còn nhiều dư địa cải thiện môi trường đầu tư
Ông Nguyễn Hải Minh đánh giá, chỉ số BCI quý 3 lạc quan hơn nhưng vẫn chưa phục hồi so với trước đại dịch Covid-19. Ông Minh đặt vấn đề, đối mặt với những thách thức đó và mong muốn của các doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam cần xác định những chính sách ưu tiên trong thời gian tới để cải thiện môi trường kinh doanh và phục hồi niềm tin cho doanh nghiệp.
Tiến sỹ Nguyễn Minh Thảo từ Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cảnh báo, các con số cho biết kinh tế đang phục hồi, thậm chí trong top thế giới. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần thảo luận như chỉ số về sức mua tiêu dùng vẫn giảm, xung đột toàn cầu chưa giảm nhiệt ảnh hưởng đến đầu vào chi phí, những thay đổi về chính sách thương mại của các nước, chẳng hạn việc Mỹ giải quyết thâm hụt thương mại của họ thì Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn.
Về môi trường kinh doanh, bà Thảo nói: “Chỉ số BCI tốt hơn nhưng tôi thấy chính sách của Việt Nam chưa nhiều cải thiện để môi trường kinh doanh thực sự hấp dẫn, còn nhiều dư địa Việt nam có thể làm”.
Bà Thảo cho rằng, môi trường kinh doanh không chỉ về chính sách, rào cản thủ tục, mà còn liên quan đến sự ổn định về chính sách. Nhiều nhà đầu tư nói ổn định chính sách sẽ giúp họ quyết định đầu tư. Số dự án tăng lên nhưng quy mô nhỏ dần, cho thấy cải cách chưa làm được nhiều
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân – Chủ tịch công ty kiểm toán PwC cho rằng, để cải thiện môi trường kinh doanh cần nhiều yếu tố. Về cải thiện chính sách thì cần ổn định, đáp ứng kịp thời yêu cầu của các doanh nghiệp, làm chính sách phải đồng bộ, không thể mỗi lúc ra một phần.
Bà cho biết: “Có nhà đầu tư điện sạch nói với tôi họ dự kiến 1-2 năm sẽ bắt đầu thực hiện dự án, ở nước ngoài mất 6-12 tháng, nhưng thực tế ở Việt Nam mất 10 năm mới có thể triển khai dự án”.
Cảnh báo những thách thức với nền kinh tế Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách Kinh tế Việt Nam ĐHQG Hà Nội cho biết, các tổ chức dự báo tăng trưởng nửa cuối năm 2024 cao hơn đầu năm. Tuy nhiên, những ảnh hưởng chính trị, ví dụ việc ông Donald Trump tái đắc cử với chính sách tăng thuế thương mại toàn cầu, đặc biệt có thể tăng tới 60% với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng các đối tác, bao gồm cả Việt Nam, dẫn tới nguy cơ suy giảm tăng trưởng.
Thúc đẩy nguồn thu bền vững
Một thách thức nữa là Việt Nam chưa thực sự có nguồn thu ngân sách bền vững, trong khi nhu cầu chi tiêu công ngày càng tăng, nợ chính phủ tăng lên - ông Việt nói. Cần cải cách các nguồn thu thuế để giảm áp lực với nợ chính phủ thời gian tới, đặc biệt 2025 là năm bản lề, Việt Nam sẽ hướng tới nhiều dự án lớn như đường sắt tốc độ cao – ông Việt nói.
Để giải quyết tăng nguồn thu lâu dài cho ngân sách, bà Đinh Thị Quỳnh Vân cho rằng phải phát triển sản xuất, doanh nghiệp làm ăn có lãi, có thể mở rộng sản xuất, thu nhập của người dân tăng lên” – bà Vân nói.
Tăng nguồn thu từ tăng thuế, trong đó có tăng thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ là một biện pháp nhưng không bền vững, mà phải tăng từ thuế thu nhập.
Bà so sánh, ở Việt Nam chỉ 15% ngân sách là từ thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi ở các nước phát triển là 30% - 40%; từ thuế thu nhập cá nhân cũng dưới 10% ở Việt Nam, thấp hơn so với các nước.
Bà Vân cho rằng trong khi mức tiêu dùng nội địa chưa đạt như trước Covid, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt tăng sẽ ảnh hưởng đến giá và do đó ảnh hưởng đến tiêu dùng. Do vậy khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thu ngân sách nhà nước tăng nhưng không đáng kể, không bền vững.
Cũng có ý kiến tương tự, Tiến sỹ Nguyễn Minh Thảo lấy ví dụ, theo dự thảo luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, việc tăng thuế khiến giá bia tăng, sản xuất ngành bia sụt giảm dẫn tới sản xuất của 21 ngành khác trong quan hệ liên ngành giảm theo. Trong trường hợp đó thu ngân sách ngắn hạn tăng, song về trung và dài hạn giảm.
Bên cạnh đó, người lao động sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. An sinh xã hội bị ảnh hưởng - đó cũng là yếu tố cần lưu ý khi tính toán tăng thuế tiêu thụ đặc biệt – bà Thảo nói.
Nguyễn Quốc Việt đồng ý rằng, nếu vì áp lực tăng thu ngân sách mà “tự bắn vào chân mình”, chỉ nhìn thu ngân sách từ một mặt hàng thì tác động đến 21 ngành kinh tế khác. Do vậy cần lưu ý vào các nguồn thu bền vững, tập trung vào các nguồn thu làm sao bảo đảm an sinh xã hội và tăng ngân sách bền vững.
Chủ tịch PwC nhấn mạnh: Cần tăng thuế các ngành hàng ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng tăng ở mức nào để đảm bảo sự tồn tại của ngành, tăng thu ngân sách, phát triển xã hội và củng cố niềm tin kinh doanh. “Hy vọng chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt không ảnh hưởng đến chỉ số niềm tin kinh doanh của Eurocham” – bà Quỳnh Vân nói.