Giải bài toán “kinh tế vỉa hè”: Cần chính sách linh hoạt

Giải bài toán “kinh tế vỉa hè”: Cần chính sách linh hoạt

Chuyện cho thuê vỉa hè không mới mà đã được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề xuất từ năm 2017. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được là vì có những quan điểm xung đột cần phải giải quyết thấu đáo, thuyết phục.

Nguồn:Công luận

TP.HCM dự kiến cho sử dụng vỉa hè làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo, tổ chức sự kiện văn hóa, nơi trung chuyển vật liệu, phế thải... có thu phí, sau khi đã chừa đủ tối thiểu 1,5m cho người đi bộ. Chuyện cho thuê vỉa hè không mới mà đã được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề xuất từ năm 2017. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được là vì có những quan điểm xung đột cần phải giải quyết thấu đáo, thuyết phục.

“Cái được” trước mắt

Đầu tháng 2/2023, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đang soạn dự thảo thay thế Quyết định 74 năm 2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố để trình UBND TP.HCM. Theo đó, dự thảo đề cập về 7 trường hợp sử dụng tạm thời một phần hè phố phải đóng phí.

giai bai toan kinh te via he can chinh sach linh hoat hinh 1

Giá trị của kinh tế vỉa hè không đơn thuần là hàng rong bán hàng trên phố mà rộng hơn góp phần tạo công ăn việc làm, kinh doanh, thuế…

Theo Sở GTVT TP.HCM, quy định mới, quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố bảo đảm an toàn, hiệu quả và mỹ quan đô thị, ưu tiên dành cho người đi bộ 1,5m, lòng đường còn lại đủ bố trí 2 làn ô-tô cho một chiều lưu thông...

Trong dự thảo về quy định quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè thay thế Quyết định số 74/2008 của UBND TP.HCM, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đưa ra nhiều nội dung đáng lưu ý. Trong đó, 10 trường hợp sẽ đóng phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè.

Cụ thể 7 trường hợp sử dụng tạm thời vỉa hè phải đóng phí gồm: Điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ mua bán hàng hóa; điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ công cộng có thu tiền sử dụng; điểm bố trí lắp đặt các công trình tạm, các trụ quảng cáo tạm; điểm tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội); trông giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng phục vụ thi công công trình hộ gia đình; điểm trông giữ xe có thu phí.

Ngoài ra, 3 trường hợp sử dụng tạm lòng đường có thu phí gồm: nơi tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm trông, giữ ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa có thu tiền sử dụng; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; nơi bố trí điểm trông giữ xe có thu phí.

Th.S Nguyễn Trần Hoàng Phương - quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch xã hội nhận xét việc thu phí lòng đường, vỉa hè không chỉ hợp lý mà còn phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Điều này nhằm quản lý tốt hơn các hoạt động kinh doanh, buôn bán tại lòng đường, vỉa hè trên cơ sở trật tự đi lại vẫn bảo đảm.

Tại nhiều nước văn minh thì đường, vỉa hè luôn có 2 công dụng - đi lại và buôn bán. Chỉ cần có hoạt động kinh doanh, buôn bán hợp pháp thì những vị trí này mặc nhiên trở thành trung tâm đông đúc, phát triển về kinh tế.

Ông Phương dẫn ví dụ một số quốc gia gần Việt Nam như Singapore, Thái Lan đã áp dụng thu phí lòng đường, vỉa hè. Những khu vực cho phép buôn bán được chia theo từng ô. Đa số các ô kinh doanh này được chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ và có thu phí. Một số trường hợp thuộc diện gia đình chính sách của địa phương hoặc người dân có nhà ngay tại khu vực đó được miễn hoặc giảm.

Theo ông Phương, ở TP.HCM, nhu cầu kinh doanh, buôn bán dưới lòng đường, vỉa hè là rất lớn. Nền kinh tế đặc trưng này cũng mang lại một nguồn thu không hề nhỏ. Do vậy, không thể cản lại bánh xe thị trường mà cần phải “quay” theo nó.

“Thu phí góp phần mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Việc này vẫn tốt hơn là để cho tự do buôn bán rồi lấn chiếm như hiện nay, không thu được phí mà còn ngổn ngang, nhếch nhác” – Th.S Nguyễn Trần Hoàng Phương nêu quan điểm.

Để thực hiện thu phí có hiệu quả, ông Phương cho rằng: “Sự phát triển của xã hội kéo theo tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè diễn ra thường xuyên. Để hạn chế thì phải có quy hoạch rõ ràng, khu nào được bán, khu nào không được bán. Bên cạnh đó, cần có quy chuẩn, quy định cụ thể. Người kinh doanh, buôn bán phải đăng ký với cơ quan chức năng về thuế, mặt hàng, cam kết bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm…”.

giai bai toan kinh te via he can chinh sach linh hoat hinh 2

Cũng theo ông Phương, việc thu phí và cao hơn nữa là quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh tại lòng đường, vỉa hè nếu thực hiện tốt sẽ mang lại nhiều giá trị cho xã hội. Việc quản lý này mang tính chất liên ngành. Có nghĩa là những cửa hàng kinh doanh sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn về thuế, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị…

Ngoài ra, khi các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ được quản lý chặt thì sẽ đẩy lùi nạn “chặt chém”. Cùng với đó, khi đường phố được quy hoạch kỹ càng, gọn gàng thì khách du lịch sẽ thích hơn. Đây cũng là yếu tố để thu hút du khách đến TP.HCM trong tương lai.

Kinh tế vỉa hè không "ngược chiều" với đô thị văn minh?

Lợi ích và tiềm năng do kinh tế vỉa hè mang lại có thể thấy rõ. Vấn đề của Việt Nam không phải là xóa bỏ hay giữ lại kinh tế vỉa hè, mà là quy hoạch kinh tế vỉa hè phát triển phù hợp với mỹ quan và giao thông đô thị.

Sau nhiều năm nghiên cứu về kinh tế vỉa hè ở một số nước, KTS. Lê Nguyễn Hương Giang nhận thấy mô hình “Freedom Trail” ở Boston, Mỹ phù hợp để Việt Nam có thể áp dụng, nhất là ở TP.HCM. Mô hình này tạo nên một con đường dài kết nối các di tích lịch sử, di sản văn hóa ở địa phương, du khách được tự do trải nghiệm mà không cần hướng dẫn viên. Trên con đường đó, hàng quán vỉa hè được tập trung bày bán mà không làm ảnh hưởng đến giao thông hay mỹ quan đô thị.

Sau 5 năm triển khai, phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm dần trở thành điểm đến quen thuộc của khách du lịch và người dân địa phương. Mô hình này đã tạo điều kiện cho các hộ dân ổn định cuộc sống. TP.HCM tiếp tục triển khai thêm nhiều tuyến phố hàng rong khác ở quận 5 và quận 1. 

giai bai toan kinh te via he can chinh sach linh hoat hinh 3

Nhóm nghiên cứu về kinh tế vỉa hè do TS. Dư Phước Tân - Trưởng Phòng Nghiên cứu Quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM làm chủ nhiệm đã kiến nghị lãnh đạo thành phố xem xét thành lập Công ty CP Quản lý và Khai thác quỹ vỉa hè đô thị. Công ty này có trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng và phối hợp với các công ty về hạ tầng khác trong việc chỉnh trang đô thị.

Để thuận tiện trong công tác quản lý, đề nghị giao luôn chức năng xử phạt cho Công ty CP Quản lý và Khai thác quỹ vỉa hè đô thị. Đến lúc đó, trật tự kinh doanh buôn bán trên vỉa hè sẽ tự động đi vào nề nếp. Những cá nhân hay hộ gia đình nào không nộp phí sẽ bị công ty này kiểm tra, xử phạt và không cho phép kinh doanh.

Theo Th.S Võ Thanh Tuyền - Phó trưởng Khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), việc cải tạo, quản lý vỉa hè để không bị tái chiếm là rất khó. Chính quyền TP.HCM nên có phương án từng bước giúp người dân hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay thế xe hai bánh. Điều này sẽ giúp hình thành cách mua sắm tập trung tại các trạm dừng của phương tiện công cộng, thay vì mua sắm dọc các tuyến đường, góp phần giảm việc buôn bán lộn xộn trên vỉa hè. 

Dưới góc nhìn quản lý đô thị, không thể cứ chăm chăm vào yếu tố không gian mà quên mất những yếu tố mang giá trị văn hóa, xã hội. Hơn hết, việc duy trì kinh tế vỉa hè giúp trung hòa lợi ích của người dân lẫn chính quyền, giải quyết được nhiều nhu cầu thực tế. Để có một đô thị văn minh, hiện đại, cần chú trọng vào việc đồng thời vừa có được vỉa hè sạch sẽ, mỹ quan, vừa giữ được nét văn hóa đặc sắc vốn có. 

Quản lý để phát triển

Khi nhìn vào kinh tế vỉa hè, TS. Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế nhìn thấy chiều dài phát triển của quốc gia, của đô thị và gắn với khái niệm văn hoá bao gồm tất cả hoạt động của con người và gắn với hai từ: nhân văn, tử tế. Giá trị của kinh tế vỉa hè không đơn thuần là hàng rong bán hàng trên phố mà rộng hơn góp phần tạo công ăn việc làm, kinh doanh, thuế…

Theo ước tính của một số thành phố lớn trên thế giới, kinh tế vỉa hè nói theo nghĩa đầy đủ đóng góp tỷ lệ không nhỏ cho nền kinh tế. Đặc biệt, kinh tế đêm gắn với không gian công cộng được sử dụng vào đêm như chợ, vui chơi giải trí... Nước ta hiện nay chú trọng phát triển kinh tế đêm và một số thành phố lớn đã có kế hoạch triển khai kinh tế đêm để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

giai bai toan kinh te via he can chinh sach linh hoat hinh 4

Th.S – KTS. Lê Nguyễn Hương Giang đồng tình với quan điểm cho rằng, việc quy hoạch phát triển kinh tế vỉa hè, ngoài yếu tố văn hoá, đây là nơi lưu thông hàng hoá, nông sản địa phương, thậm chí có những mặt hàng không mua được ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích mà có ở các cửa hàng, hàng rong vỉa hè.  

Th.S – KTS. Lê Nguyễn Hương Giang mong muốn chính quyền các thành phố lớn sẽ sắp xếp lại và có quy hoạch rõ ràng để kinh tế vỉa hè có điều kiện phát triển. Ví dụ như tại các khu vực có vỉa hè rộng có thể cho phép tổ chức kinh doanh dưới sự quản lý chặt chẽ; những khu vực đông dân cư, tập trung trường học, bệnh viện, nhà máy có thể tổ chức kinh doanh theo giờ, cấm kinh doanh vào giờ cao điểm để không ảnh hưởng đến giao thông, đi lại của người dân. Trên cơ sở quy hoạch bài bản mới tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh.

Công luận
Trở lại đầu trang