Lạc quan về triển vọng năm 2025, Tập đoàn Dabaco đưa ra mục tiêu doanh thu đạt 28.800 tỷ đồng. Ảnh: Lê Toàn
Nhiều kế hoạch lạc quan
Chưa đầy 2 tháng sau bản kế hoạch kinh doanh đầu tiên được công bố tới các nhà đầu tư, HĐQT Công ty cổ phần Ô tô TMT (TMT Motors) trong cuộc họp đầu năm đã quyết định bản kế hoạch mới, không chỉ thay đổi mạnh cơ cấu sản phẩm tiêu thụ, mà còn đặt ra mục tiêu lợi nhuận đầy tham vọng.
TMT Motors chuyển sang “cược” nhiều hơn vào sản phẩm xe điện và xe tải nặng. Theo phương án mới, Công ty đặt kế hoạch tiêu thụ 8.075 xe với 3.456 xe tải nặng, 1.215 xe tải nhẹ và 3.404 xe điện. Mục tiêu doanh thu (không bao gồm thuế GTGT) đạt gần 3.839 tỷ đồng, lãi trước thuế gần 300 tỷ đồng, cao hơn 36,86% so với kế hoạch 217 tỷ đồng từng đưa ra và tích cực hơn nhiều so với kết quả đạt được trong 9 tháng của năm 2024 (thua lỗ tới gần 192 tỷ đồng).
Ở lần giải trình mới đây về biến động giá cổ phiếu liên tục tăng trần, Chủ tịch HĐQT Bùi Văn Hữu cho biết, TMT Motors xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm 2025 với nhiều mẫu xe mới có tính cạnh tranh trên thị trường.
“Ngay từ đầu năm 2024, Công ty đã chủ trương giải phóng hàng tồn kho, tái cấu trúc toàn bộ sản phẩm từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ và có chiến lược làm việc với các nhà cung cấp nước ngoài để bổ sung các dòng xe mới có mẫu mã đẹp. Đầu tháng 12/2024, Công ty đã thống nhất xong với các đối tác nước ngoài những mẫu xe thương mại và xe điện mới, dự kiến đưa vào hợp tác và sản xuất lắp ráp tại Việt Nam từ quý I/2025. Năm 2024, Công ty cũng đã thực hiện tái cấu trúc toàn bộ công tác điều hành và cơ bản cho thấy hiệu quả, lấy lại lòng tin của người tiêu dùng cũng như các đại lý. Công ty đã chuẩn bị nguồn lực cho chu kỳ sản xuất, kinh doanh mới, bắt đầu từ quý I/2025”, phía TMT Motor cho hay.
Sau khi thực hiện tái cấu trúc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2024, doanh nghiệp ô tô này khá tự tin cho những bước đi sắp tới.
Không riêng TMT Motor, nhiều doanh nghiệp đưa ra dự báo lạc quan. Tập đoàn Dabaco Việt Nam đặt mục tiêu đạt doanh thu 28.800 tỷ đồng (bao gồm tiêu thụ nội bộ). Nếu hoàn thành, “ông lớn” ngành chăn nuôi này sẽ xác lập kỷ lục mới về doanh thu trong lịch sử hoạt động, thậm chí gấp hơn 2 lần mức kỷ lục hồi năm 2023 (xấp xỉ 11.000 tỷ đồng). Cùng đó, lợi nhuận trước thuế kế hoạch cho năm 2025 là hơn 1.100 tỷ đồng, tăng 28,3% so với lợi nhuận tạm ước tính năm 2024 (857 tỷ đồng).
Lãnh đạo Dabaco cho biết, sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, đồng thời phát triển đa dạng các dòng sản phẩm thực phẩm giá trị gia tăng cao như trứng gà vỏ xanh, trứng gà ăn liền Devi, dầu đậu nành cao cấp COBA, UMI… Doanh nghiệp đánh giá, đây là những bước đi chiến lược, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh đó, Dabaco đặt mục tiêu đưa vào vận hành Dự án sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi (ASF) - dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn ngành trong những năm gần đây.
Trong lĩnh vực dệt may, Tổng công ty Đức Giang - CTCP (UPCoM: MGG) đặt ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận hai con số với mức lãi kế hoạch là 29 tỷ đồng, tăng 21% so với ước thực hiện năm 2024. Năm vừa qua, doanh nghiệp này cũng ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ khi lợi nhuận đạt 24 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch đề ra.
Động lực của năm 2025
Các doanh nghiệp niêm yết trên toàn thị trường trong 9 tháng của năm 2024 đã đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế gần 21% so với cùng kỳ, cao hơn kế hoạch năm 2024 là 17,9% và đã hoàn thành 83% kế hoạch cả năm. Mùa báo cáo tài chính năm 2024 dự kiến tập trung chủ yếu ở hai tuần cuối tháng 1/2025. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích đánh giá khá tích cực về tăng trưởng lợi nhuận năm 2024. Theo chuyên gia CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS), một nửa trong nhóm 18 ngành nghề theo dõi có thể đạt mức tăng trưởng 2 con số trở lên.
Bức tranh lợi nhuận năm 2025 vẫn được dự báo khả quan với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có thể đạt 25-30%. Xu hướng phục hồi của kinh tế vẫn sẽ là động lực giúp các nhóm ngành tăng trưởng. Trong báo cáo chiến lược vừa công bố, các chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, kinh tế trong nước năm 2025 đứng trước mục tiêu Chính phủ đề ra là duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao cho giai đoạn 2025-2030. Điều này mở ra một chu kỳ tăng trưởng mới, với các động lực chính năm 2025, bao gồm đẩy mạnh giải ngân đầu tư hạ tầng, thu hút FDI và tăng trưởng tiêu dùng.
Xét về động lực xuất nhập khẩu, chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI nhận định, bối cảnh năm 2025 sẽ có các yếu tố bên ngoài khó lường, cùng mức nền cao trong năm 2024, có thể kéo tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 chậm lại, xuống còn 9,5% (năm 2024 là 14,3%).
“Cũng vì vậy, để giảm thiểu các tác động tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn, các động lực tăng trưởng trong nước cần được thúc đẩy như tiêu dùng và đầu tư công. Khu vực tư nhân trong nước có thể được hưởng lợi từ môi trường kinh doanh thân thiện hơn, ví dụ như việc cho phép các dự án xây dựng - chuyển giao (BT) được thực hiện trở lại”, chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để có thể đạt được mục tiêu, chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ hướng đến duy trì ổn định vĩ mô và thúc đẩy kinh tế với các giải pháp mạnh mẽ, hướng tới tất cả các động lực tăng trưởng.
Chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, công tác cải cách thể chế không chỉ đến từ việc tinh gọn bộ máy, giảm khâu trung gian, trao quyền tự chủ cho các bộ, ngành, địa phương, mà còn đến từ việc chính thức triển khai trên thực tế của hàng loạt văn bản pháp quy được sửa đổi trong cuối năm 2024, đầu năm 2025. Rủi ro trong một thế giới bất ổn là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, Việt Nam đã có sự chuẩn bị với tư duy “vừa làm vừa điều chỉnh” để đối diện với những thách thức này.