Thị trường nội địa: "Bệ đỡ" cho hàng Việt

Thị trường nội địa: "Bệ đỡ" cho hàng Việt

Chuyên gia kinh tế, TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhấn mạnh: “Doanh nghiệp cần nhận thức sâu sắc rằng, muốn bán hàng tốt ra thế giới thì trước hết phải bán hàng tốt ở thị trường nội địa”. Và sự ra đời của Chỉ thị 29/CT-TTG mới đây cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng cao vị thế của thị trường trong nước.

Nguồn:Thương trường

Thị trường nội địa ‘Bệ đỡ’ cho hàng Việt

Hàng Việt tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong các kệ hàng tại nhiều siêu thị, cơ sở bán lẻ

“Chinh phục chính mình”

Chuyên gia kinh tế, TS.Võ Trí Thành nhấn mạnh: “Doanh nghiệp cần nhận thức sâu sắc rằng, muốn bán hàng tốt ra thế giới thì trước hết phải bán hàng tốt ở thị trường nội địa”.

Trong nhiều thập kỷ, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi công nghiệp hóa hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài này cũng khiến chúng tac dễ bị tổn thương trước những biến động kinh tế toàn cầu. Do đó, các chuyên gia từ lâu đã thúc giục cơ quan chức năng cần có giải pháp chủ động, tích cực để giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu và củng cố thị trường trong nước.

Các chuyên gia kinh tế, cho rằng bên cạnh đầu tư công và xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng trong nước đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế bền vững của Viêt Nam. Với dân số hơn 100 triệu người và sức mua đáng kể, thị trường trong nước là cơ hội hấp dẫn cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường nội địa, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho rằng thị trường nội địa là “mảnh đất” màu mỡ đối với các doanh nghiệp Việt. Bởi lẽ, thị trường trong nước có quy mô dân số lớn trên 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người ngày càng được cải thiện, tầng lớp trung lưu có xu hướng tăng nhanh và tỷ lệ tiêu dùng so với tổng sản phẩm quốc nội cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực (khoảng trên 70%)…

Thực tiễn đã chứng minh rõ vị thế cũng như vai trò quan trọng của thị trường trong nước, khi thời gian qua, rất nhiều nhà sản xuất, tập đoàn lớn trên thế giới hướng đến Việt Nam và họ đã nhìn thấy tiềm năng của thị trường. Với các doanh nghiệp trong nước, nếu chúng ta biết tận dụng khai thác tốt hơn dư địa phát triển của thị trường nội địa sẽ duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách ổn định.

“Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng có những biến động khó lường như hiện nay, thị trường nội địa luôn là điểm tựa vững chắc, an toàn, tạo thế chủ động cho doanh nghiệp trước những cú sốc bên ngoài. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng cần nhận thức sâu sắc rằng, muốn bán hàng tốt ra thế giới thì trước hết phải bán hàng tốt ở thị trường nội địa, cần “bám sâu rễ, bền gốc” ở thị trường nội địa để làm “bàn đạp” phát triển, vươn ra thế giới” - TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Tại các hệ thống phân phối, sự hiện diện của hàng hóa trong nước ngày càng nhiều với mức tiêu thụ tăng lên. Theo Bộ Công Thương, hàng Việt Nam hiện đang chiếm tỷ trọng khá cao, với khoảng 90% tại các siêu thị lớn như: Co.opmart, Vinmart, Intimex, Hapromart… Tỷ lệ hàng Việt Nam tại các chợ, cửa hàng tiện lợi cũng chiếm từ 60% trở lên.

Hàng loạt chương trình kết nối cung cầu, kích thích tiêu dùng trong nước được tổ chức thực hiện liên tục và rộng khắp trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, các chương trình kích thích thương mại điện tử và kinh tế số cũng đang tạo động lực thúc đẩy thị trường trong nước phát triển sôi động, giúp doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước, từng bước vượt qua khó khăn.

Thời gian gần đây, nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam cũng đã có những chiến lược, kế hoạch để chinh phục thị trường trong nước. Từ ngành hàng gỗ, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thông tin, rằng trước đây, các doanh nghiệp trong ngành chủ yếu theo đuổi mục tiêu xuất khẩu, tuy nhiên, vài năm trở lại đây, rất nhiều đơn vị sản xuất chế biến gỗ, nội thất của Việt Nam đã quay lại “sân nhà” tìm chỗ đứng, khi nhận thấy việc xuất khẩu không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Tương tự ngành gỗ, ngành hàng thủy sản cũng đang tiếp tục nâng thị phần của mình tại thị trường nội địa, nhất là các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết tại VASEP cũng có câu lạc bộ tiêu thụ hàng nội địa với khoảng 30 doanh nghiệp tham gia; có những doanh nghiệp có doanh số tại thị trường nội địa chiếm từ 30-50% tổng doanh thu…

Gắn với Cuộc vận động“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay chúng ta đã có 100% địa phương hình thành mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt”, “Tinh hoa hàng Việt Nam. 100% bộ, ngành và địa phương xây dựng được chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất hàng Việt Nam tại thị trường trong nước.

Với những cơ sở nêu trên, chúng ta thấy rõ rằng vị trí, vai trò cũng như ý nghĩa quan trọng của thị trường nội địa đối với hàng hoá sản xuất trong nước. Bởi, nói theo quan điểm của nhà Phật, “khi chúng ta đã chinh phục và chiến thắng chính mình cũng là lúc giúp chúng ta tìm ra được chìa khoá mở rộng cách cửa dẫn tới hành phúc và thành công”.

Tiếp tục ưu tiên thị trường nội địa, phát triển hàng hoá trong nước

Khép lại quá nửa chặng đường của năm 2024, và qua các số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế vĩ mô của nước ta tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội được bảo đảm, tăng lương được thực hiện theo lộ trình. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường; căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm... Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; áp lực lạm phát, tỷ giá còn biến động; thị trường tài chính, tiền tệ vẫn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; thiên tai, hạn hán, sạt lở, mưa bão, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp...

Để khắc phục khó khăn, thách thức, ngày 27/8/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg, trong đó nhấn mạnh sẽ tập trung vào việc thúc đẩy nhu cầu, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường trong nước tại Việt Nam. Chỉ thị đánh dấu một nỗ lực nữa của nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu nhằm nâng cao vai trò của thị trường nội địa đối với các doanh nghiệp có trụ sở tại Việt Nam.

Cụ thể, ưu tiên triển khai kịp thời các dự án đầu tư tạo năng lực sản xuất mới. Trong đó, Chính phủ sẽ tập trung rà soát, ưu tiên các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, các gói tín dụng, đất đai, chính sách để thu hút nguồn lực xã hội tham gia các dự án phù hợp với quy mô và tín hiệu thị trường.

Khơi thông thị trường trong nước, có chính sách khuyến khích tiêu dùng, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực mà sản xuất trong nước có thế mạnh, còn năng lực sản xuất và thị trường trong nước có nhu cầu.

Rà soát và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Triển khai các giải pháp kết nối vùng nhằm giảm chi phí vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa các vùng; hỗ trợ doanh nghiệp dịch chuyển đầu tư về các vùng có lợi thế cạnh tranh về các yếu tố như mặt bằng sản xuất kinh doanh, nguồn lao động dồi dào và giá nhân công rẻ để giảm chi phí sản xuất.

Các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), công nghệ blockchain để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại thị trường trong nước, kết nối cung cầu, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới và Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.

Về ưu tiên thúc đẩy phát triển thị trường trong nước. Các chính sách mới sẽ khuyến khích tiêu dùng và đầu tư vào những lĩnh vực mà sản xuất trong nước có lợi thế và thị trường trong nước có nhu cầu. Nhiều mục tiêu trong số này tiếp tục nhấn mạnh vai trò nổi bật hơn của thương mại điện tử, đi kèm với đó các quy định chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực này.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, hình thành các chuỗi liên kết hàng thuần Việt.

Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại.

Tổ chức các chương trình khuyến mại trên phạm vi vùng và toàn quốc, phối hợp với các địa phương tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, phân phối các sản phẩm OCOP, đưa hàng hóa đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp để kích cầu tiêu dùng trong nước.

Khuyến khích các sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước. Phát động phong trào tiêu dùng hàng hoá Việt, sản phẩm địa phương thông qua các mô hình gian hàng Việt, sản phẩm Việt trên thương mại điện tử.

Tổ chức các hoạt động thúc đẩy liên kết vùng trong thương mại điện tử, các hoạt động xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới với các nước trong khu vực, thị trường nhập khẩu lớn.

Tổ chức các chương trình, sự kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, phát triển các mô hình mới trong mua bán hàng hóa trên môi trường trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp Việt kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước.

Tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và doanh nghiệp lớn toàn cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

Quy định chặt chẽ hơn đối với hàng hóa nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử

Một trong những điều khoản có tác động lớn nhất theo Chỉ thị 29 liên quan đến hoạt động thương mại điện tử có khả năng là các quy định chặt chẽ hơn đối với hàng hóa nhập khẩu.

Theo đó, Chỉ thị yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu các giải pháp mới nhằm thắt chặt kiểm soát hàng hóa nhập khẩu thông qua sàn thương mại điện tử, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam; Phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất chính sách thuế đối với các dự án thu hút đầu tư sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu; Đẩy nhanh thủ tục giải ngân các chương trình xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ này và triển khai chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, phối hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác của Việt Nam.

Mới đây, nhằm kích thích sức mua trong nước Chính phủ tiếp tục gia hạn giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT). Với việc ban hành Chỉ thị 29, Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm thực hiện nhiều chính sách hợp lý hơn và hỗ trợ cho thị trường trong nước, chú trọng hơn đến tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước.

Sự năng động này sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp, bao gồm các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, phải xem xét lại kế hoạch sản xuất và chiến lược bán hàng của mình để tối đa hóa lợi ích và các chính sách và ưu đãi tiềm năng.

Thương trường
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang