Xử lý doanh nghiệp sai phạm cần tính đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư

Xử lý doanh nghiệp sai phạm cần tính đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư

Theo TS. Võ Trí Thành, các doanh nghiệp có sai phạm đã bị xử lý, nhưng chúng ta cần rút ra bài học là trước khi xử lý phải đánh giá tác động có thể của việc xử lý đó đối với xã hội và thị trường, điều đó rất quan trọng đối với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư nhỏ

Nguồn:Thương trường

Chiều 14/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Phát hiện tại Hội nghị, TS. Võ Trí Thành cho rằng, thách thức trong quản lý thị trường bất động sản là làm sao cân bằng, không thiên lệch trong quá trình phát triển của thị trường bất động sản. Đằng sau yêu cầu "không thiên lệch" là vấn đề "còn khó hơn về mặt chính sách". Chính sách về bất động sản không chỉ hoàn toàn là lý thuyết mà là nghệ thuật điều hành và cách ứng xử.

Xử lý doanh nghiệp sai phạm cần tính đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư

TS. Võ Trí Thành phát biểu tại Hội nghị

TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, về nhận thức, phát triển thị trường vốn trong đó có thị trường trái phiếu Chính phủ, doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng. Thực tiễn đã chứng minh, đối với những nước dựa vào hệ thống ngân hàng như Việt Nam và nhiều nước Đông Á thì phát triển thị trường trái phiếu khó hơn rất nhiều so với thị trường cổ phiếu. Để phát triển thị trường trái phiếu thì tính quyết liệt và bền bỉ rất quan trọng.

Nhấn mạnh đến vai trò tích cực của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành cho biết, đến nay, tổng quy mô của  trái phiếu doanh nghiệp là 1,5 triệu tỷ đồng bằng quy mô của thị trường trái phiếu Chính phủ.

"Trong thời gian gần đây nếu không có trái phiếu doanh nghiệp thì thị trường bất động sản khó khăn hơn rất nhiều. Riêng năm 2021, phát hành trái phiếu doanh nghiệp vượt quá tín dụng mới cho vay trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng thương mại" - TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Đồng thời ông Thành cũng cho biết thêm, không có trái phiếu doanh nghiệp thì nguồn vốn trung dài hạn cho các doanh nghiệp nói chung và bất động sản nói riêng sẽ gặp khó. Các tầng lớp thu hút trái phiếu này đều là những khâu quan trọng: Thứ nhất là Ngân hàng thương mại, thứ hai là bất động sản và thứ ba là năng lượng, đặc biệt là chuyển dịch năng lượng tái tạo.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị, TS.Võ Trí Thành cũng nêu lên một số kiến nghị liên quan đến một số vấn đề như: về xử lý những rủi ro mang tính xã hội liên quan đến việc các cá nhân "vừa chuyên nghiệp, vừa không chuyên nghiệp" nắm giữ trái phiếu; "cách ứng xử đảm bảo dòng tiền khi đáo hạn trái phiếu bất động sản"; vấn đề về minh bạch thông tin, tính chuyên nghiệp,…

Theo đó, TS. Võ Trí Thành cho rằng, việc đầu tiên là tạo lập niềm tin. Ông nhấn mạnh, "hội nghị hôm nay là cam kết chính trị cực kỳ mạnh mẽ. Đó là chúng ta phải coi thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một phần hữu cơ của thị trường vốn mà Việt Nam thực sự mong muốn phát triển. Đó là thông điệp của Việt Nam gửi đến thế giới, đặc biệt là thế giới doanh nghiệp. Bên cạnh đó phải tăng cường tính kỷ luật của thị trường đồng thời không hình sự hóa các quan hệ kinh tế".

Thứ hai, liên quan đến Ngân hàng thương mại, trái chủ, tín dụng… "Chúng ta không siết tín dụng bất động sản, nhưng có chọn lọc hơn dựa theo những đánh giá của phân khúc bất động sản, nhu cầu thực của người dân và xã hội, phân biệt các vấn đề phức tạp, khó khăn của một số dự án điển hình, một số dự án lớn cần quan tâm".

Theo TS. Võ Trí Thành, các doanh nghiệp có sai phạm đã bị xử lý, nhưng chúng ta cần rút ra bài học là trước khi xử lý phải đánh giá tác động có thể của việc xử lý đó đối với xã hội và thị trường, điều đó rất quan trọng đối với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Đối với các doanh nghiệp có vấn đề chúng ta cần giám sát chặt chẽ, tính đến các kịch bản xấu, cách thức xử lý như "tự xử, cảnh báo, thời hạn xử trước khi xử lý nặng".

"Tinh thần chung, số một là tăng cường tính minh bạch, thứ hai là không nên phanh gấp tránh gây sốc thị trường, thứ ba không đánh đồng số trung bình, cần lưu ý phân loại, thậm chí có một số trường hợp cần nhìn nhận một cách linh hoạt, khéo léo trong xử lý", ông Thành nói.

TS. Võ Trí Thành kiến nghị, cần tạo dựng nền tảng trung và dài hạn nhưng chúng ta cần phải bắt đầu. Thứ nhất ,phải cân đối thị trường tín dụng tinh thần quyết liệt hơn, nghiêm túc hơn và nhanh hơn. Thứ hai, đối với tổ chức tín dụng cần phải có đề án cơ cấu lại. Thứ ba, là câu chuyện từ thị trường mới nổi. Đằng sau đó không phải là câu chữ mà là thông lệ quốc tế tốt nhất và niềm tin của nhà đầu tư vào một thị trường lành mạnh.

Thương trường
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang