Bệnh sởi phát triển chóng mặt, Bộ Y tế vào cuộc chỉ đạo phòng chống

Bệnh sởi phát triển chóng mặt, Bộ Y tế vào cuộc chỉ đạo phòng chống

Trước tình hình bệnh sởi lan rộng và bùng phát mạnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ban hành Chỉ thị số 05/CT-BYT về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này.

Tags: BoYTe , dichsoi , vaccine

Trong năm 2018 và đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp, gia tăng tại nhiều quốc gia, trong đó xảy ra ở một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi. Đặc biệt tại Philippines trong năm 2019 đã ghi nhận 12.736 trường hợp mắc sởi và 203 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, bệnh sởi bắt đầu gia tăng từ tháng 10 năm 2018, tính đến nay ghi nhận 18.078 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 2.924 trường hợp mắc sởi dương tính được xác định tại 56 tỉnh, thành phố, hiện số mắc vẫn chưa có xu hướng giảm.

Các trường hợp mắc bệnh tập trung chủ yếu tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số sinh sống và tại các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao, giao lưu đi lại lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do tiêm vaccine phòng bệnh sởi chưa được thực hiện đầy đủ cùng với chu kỳ bùng phát bệnh sởi thường xảy ra sau 4 đến 5 năm.

PGS.TS Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur (Bộ Y tế) - cảnh báo sởi có tốc độ lây nhiễm "chóng mặt", đứng "top" đầu trong các bệnh lý. Chỉ cần một người sống trong cộng đồng mắc sởi, nếu những người sống xung quanh không được tiêm chủng thì gần như 100% bị lây nhiễm.

cGu9QjNmi6bsWPACWlqgTZdRgVcshz7zcnbfxtIFZdrcHVj94IqhsofRs1ONKUlPYYYEIc7QQlCXcZZoJqqAqGvP3NtLdaEER6aVb7pya9w2wR_wYKVS8pauinVWuLKlZE3DeXbM

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đi thăm hỏi các bệnh nhân mắc sởi.

Chính vì mối nguy cơ này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thị sát tình hình điều tra, giám sát phòng chống dịch sởi tại "điểm nóng" TP.HCM và cùng mổ xẻ nguyên nhân, truy tìm thủ phạm. Thị sát thực tế của Bộ trưởng Kim Tiến về công tác phòng chống dịch sởi trên địa bàn phường 15, quận 8 cho thấy bệnh gia tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó việc không giám sát được ca bệnh trên địa bàn, không tổ chức triệt để được khâu tiêm chủng đang là áp lực đối với lĩnh vực dự phòng.

Đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng quận 8 cho hay: “Thực tế số trẻ trong độ tuổi tiêm vắc xin sởi cao hơn nhiều so với con số được thống kê bởi địa bàn quận 8 có số dân nhập cư đông. Nơi làm việc, chỗ ở của những người nhập cư thường xuyên thay đổi nên việc truyền thông kiến thức phòng bệnh, vận động đưa trẻ đi chích ngừa rất khó khăn. Mặt khác, nhiều phụ huynh khi con đến tuổi tiêm chủng nhân viên y tế mời nhiều lần nhưng họ kiên quyết từ chối vì sợ tai biến sau tiêm. Bên cạnh đó là nhóm trẻ con nhà giàu không tham gia tiêm chủng mở rộng mà chờ tiêm dịch vụ lúc 12 tuổi tuổi nên trong thời gian chờ đợi đã bị nhiễm bệnh”.

Để chủ động ngăn chặn, không để dịch bệnh sởi lan rộng, bùng phát mạnh, Bộ trưởng Y tế yêu cầu giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho UBND địa phương chỉ đạo chính quyền các cấp huy động lực lượng phối hợp y tế thống kê đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng (tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch) để triển khai tiêm đủ mũi vắc xin phòng sởi cho trẻ đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường.

Đảm bảo kinh phí cho các hoạt động tiêm chủng gồm tiêm chủng thường xuyên, tiêm chủng chiến dịch phòng chống dịch sởi, cũng như kinh phí mua vắc xin tiêm phòng sởi cho các đối tượng nguy cơ cao ngoài độ tuổi thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên địa bàn. Tổ chức cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lan rộng. Triển khai có hiệu quả tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 9 tháng và 18 tháng tuổi, đặc biệt thực hiện chiến dịch tiêm chủng phòng chống dịch sởi.

Với các cơ sở y tế, bộ trưởng đề nghị cần thực hiện tốt việc khám sàng lọc, phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly bệnh nhân, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Phát hiện sớm và điều trị tích cực trường hợp diễn biến nặng, chú ý đối tượng có bệnh nền, giảm tối đa các trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang