Hơn 80 doanh nghiệp vi phạm ATTP bị xử phạt 135 tỷ đồng

Hơn 80 doanh nghiệp vi phạm ATTP bị xử phạt 135 tỷ đồng

Chỉ trong tháng 08/2018, Cục An toàn thực phẩm xử lý 81 trường hợp vi phạm với tổng số tiền nộp phạt lên tới khoảng 135 tỷ đồng. Chủ yếu các trường hợp vi phạm này là về các sản phẩm giảm cân.


Vào chiều 26/09, tại buổi Toạ đàm trực tuyến "Thực phẩm chức năng - Thực trạng và giải pháp phát triển" do Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức, ông Trần Văn Châu - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, quảng cáo quá mức đã ảnh hưởng phần nào đến sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN).

Ông Châu cho biết, chỉ trong tháng 08/2018, Cục đã xử lý 81 trường hợp vi phạm với tổng số tiền nộp phạt lên tới khoảng 135 tỷ đồng. Chủ yếu các trường hợp vi phạm này là về các sản phẩm giảm cân.

thực phẩm chức năng(1).jpg

Hiện nay, có hơn 3000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng. Trong đó, có gần 1/10 cơ sở sản xuất, có cơ sở không phải là nhà sản xuất nhưng có hợp đồng với nhà máy sản xuất nào đó, riêng GMP là quy chuẩn tốt với nhà máy sản xuất TPCN.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia thảo luận cho biết, nếu sau 01/07/2019, các doanh nghiệp sản xuất TPCN không đạt tiêu chuẩn GMP, không được cấp chứng nhận GMP thì sẽ không được phép tiếp tục sản xuất.

Quy định yêu cầu doanh nghiệp trong vòng 18 tháng phải đạt tiêu chuẩn GMP khiến doanh nghiệp gặp khó vì nguồn đầu tư rất lớn. Với hàng nghìn doanh nghiệp không đạt chuẩn GMP thì có thể nói, hầu hết số doanh nghiệp Việt không đủ tiêu chuẩn sản xuất, đồng nghĩa với việc phải đóng cửa.

Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị Cục ATTP và cơ quan chức năng cho phép sản phẩm đã được cấp công bố trước tháng 07/2018 thì được phép sản xuất tại nhà máy trước đó và có thời hạn lưu hành, sử dụng sản phẩm vẫn như bình thường đó là 24 tháng.

Đại diện Cục ATTP Bộ Y tế(1).jpg

Ông Trần Văn Châu - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Ông Trần Văn Châu cho biết: "Đây sẽ là cuộc chơi bình đẳng bởi nếu doanh nghiệp nước ngoài không thực hiện thì không thể vào Việt Nam được. Với tiêu chuẩn GMP thì tình trạng làm ăn gian dối, đưa chất này chất kia vào trong thực phẩm chức năng sẽ bị loại bỏ, tình trạng chỉ mấy mét vuông cũng sản xuất thực phẩm chức năng sẽ được chấm dứt để tạo thị trường lành mạnh".

Có thể nói, một số bộ phận làm ăn không chân chính dẫn đến niềm tin sụt giảm, ảnh hưởng đến doanh nghiệp TPCN chân chính. Chính vì vậy, nghị định mới về tiêu chuẩn GMP giúp “siết chặt chất lượng” TPCN, đảm bảo cho sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời tạo sự bình đẳng trong sản xuất kinh doanh giữa các công ty.

 
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang