Ca sốt phát ban nghi mắc sởi tăng cao
BS Lê Văn Sanh, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Huế cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn ghi nhận 14 ca sốt phát ban nghi mắc sởi.
Theo đó, ca phát ban rải rác ở 5/9 quận, huyện, thị xã, trong đó riêng quận Thuận Hóa có 7 ca. Sau khi ghi nhận, ngành y tế tiến hành lấy mẫu gửi Viện Pasteur để làm xét nghiệm chẩn đoán sởi.
BS. Lê Văn Sanh cho biết, số ca phát ban trong tuần đầu của năm 2025 tăng cao so với cùng kỳ. Dự báo có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do gia tăng việc giao lưu, tiếp xúc trong giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán.
Trong năm 2024, Huế ghi nhận 27 ca sốt phát ban nghi sởi và 24 ca sởi xác định.
"Nguyên nhân số ca phát ban gia tăng là do thời điểm hiện tại thời tiết mưa ẩm, lạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus phát triển và lây lan gây bệnh. Đặc biệt, các ca bệnh chủ yếu tập trung ở nhóm trẻ chưa đủ tháng tuổi để tiêm vaccine và trẻ chưa được tiêm vaccine (chiếm khoảng 90%)," BS. Lê Văn Sanh chia sẻ.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay tại TP Huế ghi nhận 1 tại mắc sởi tại phường Thủy Biều (quận Thuận Hóa) và 1 ca tại phường Phong Thu (thị xã Phong Điền). Cả 2 ca bệnh đều nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế và lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả test nhanh sởi IgM (+).
Theo BS. Lê Văn Sanh, để phòng bệnh sởi, các bậc phụ huynh cần quan tâm chế độ dinh dưỡng cho trẻ, nâng cao sức đề kháng, giữ ấm tránh nhiễm lạnh. Trạm Y tế địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi - rubella tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa tiêm đủ mũi vaccine sởi và sởi – rubella.
Tiêm vaccine là biện pháp phòng sởi chủ động, hiệu quả cao
Trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Nguyễn Hữu Châu Đức, Phó trưởng khoa Nhi Tiêu hóa – Tiết niệu – Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Nhi (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus sởi gây nên, chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân và có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng nhưng chưa đủ mũi.
Ngành y tế triển khai các biện pháp phòng bệnh trong thời điểm mưa lạnh, cuối năm.
Sởi lây qua đường không khí, giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp. Nguồn lây là những người mắc có triệu chứng cấp tính. Khả năng lây lan mạnh từ 4 ngày trước khi phát ban đến 4 ngày sau khi phát ban.
"Sởi có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm đường hô hấp, kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy, có thể gây tử vong", PGS.TS Nguyễn Hữu Châu Đức thông tin.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Châu Đức, sởi lây qua không khí, tiếp xúc, giọt bắn của dịch tiết mũi, họng người bệnh có triệu chứng cấp tính. Virus sởi có thể tồn tại và hoạt động trong không khí và bề mặt nhiễm lên đến 2 giờ, 1 người có thể lây cho 9 - 12 người người tiếp xúc gần mà chưa có miễn dịch.
Sởi đặc trưng với sốt cao 39-40 độ C, ho, đỏ mắt, chảy mũi và phát ban. Ban sởi điển hình là hồng ban xuất hiện tuần tự. Đối tượng nguy cơ mắc sởi nhất là trẻ chưa được tiêm phòng sởi, tiêm không đầy đủ 2 mũi sởi hoặc trẻ suy giảm miễn dịch.
"Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh sởi chủ động và có hiệu quả cao", PGS.TS Nguyễn Hữu Châu Đức nhấn mạnh./.