Ngày 22/5, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị “DN thực hiện an sinh xã hội và tăng trưởng xanh”.
Hình ảnh tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thu Lê
Hội nghị là chương trình hưởng ứng việc triển khai Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 1/11/2012 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”.
PGS.TS.Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo nhấn mạnh: Dù là nước đi sau, còn nghèo, chậm phát triển trên nhiều mặt, nhưng Việt Nam đã cam kết thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. “Lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, sẽ không hy sinh chất lượng sống của người dân vì mục tiêu tăng trưởng nhanh trong ngắn hạn”.
Ông Lê Xuân Đình nêu rõ, thực hiện an sinh xã hội không phải chỉ là sự trợ giúp, lòng hảo tâm, làm từ thiện của DN đối với các thành viên kém may mắn trong xã hội mà phải xuất phát từ chính nhu cầu tồn tại và phát triển của DN và được quy định bằng pháp luật của Nhà nước.
Theo ông Đình, việc DN thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ mang lại những lợi ích không chỉ cho chính họ, mà còn với cả cho quốc gia.
Cụ thể, ở cấp độ DN, khi tham gia vào quá trình thực thi các quy định về thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ nâng cao hình ảnh và thương hiệu của mình, tạo sự tin tưởng của xã hội và người tiêu dùng đối với chính DN và những sản phẩm làm ra.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các điều khoản cam kết về môi trường là một phần không thể thiếu trong các cam kết hội nhập. Do vậy, khi DN thực hiện trách nhiệm xã hội cũng chính là tạo cơ hội cho các sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một lợi ích đáng kể giúp các DN giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất trong dài hạn là đầu tư, chuyển đổi công nghệ, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Đồng thời, việc này giúp DN cải thiện vị trí cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là trong xu thế ngày càng có nhiều nước thúc đẩy và triển khai các chương trình quốc gia về mua sắm và tiêu dùng xanh như hiện nay.
Ở cấp độ quốc gia, ông Lê Xuân Đình cho rằng, lợi ích lớn nhất quốc gia nhận được thông qua việc huy động các DN tăng cường thực hiện trách nhiệm an sinh xã hội và tăng trưởng xanh là góp phần nâng cao được lợi thế, tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách hạn hẹp, việc tham gia tích cực của các DN trong việc đầu tư các công trình, các giải pháp về bảo vệ môi trường sẽ thúc đẩy chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, làm giảm áp lực chi ngân sách Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) khẳng định: “Bản thân DN cần coi việc thực hiện an sinh xã hội chính là đòn bẩy, động lực cho sự phát triển của mình”.
Thực tế, theo số liệu khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội tiến hành gần đây tại 50 DN thuộc hai ngành dệt may và da giầy, nhờ thực hiện các chương trình “trách nhiệm xã hội của DN” mà doanh thu của các DN này tăng 25%, năng suất lao động tăng từ 34,2 lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm, tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cam kết của DN Việt đối với các hoạt động thúc đẩy xanh hóa sản xuất và lối sống còn rất hạn chế; các chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh và thực hiện trách nhiệm xã hội của DN vẫn cần nhiều thời gian để đi vào đời sống, hay được chuyển biến ở một tầm mới.
“Điều này xuất phát từ thực tế hơn 97% doanh nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ, còn thiếu nhận thức về nhiệm vụ xã hội, tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó là vốn ít, nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển thiếu cả về số lượng, yếu về chất lượng, công nghệ , chưa đủ khả năng tự tiến hành nghiên cứu triển khai hoặc đổi mới công nghệ”, ông Nguyễn Văn Hồi giải thích.
Vì thế, theo PGS.TS. Lê Xuân Đình, việc cần làm trước tiên là nâng cao nhận thức cho cộng đồng DN về tăng trưởng xanh và thực hiện an sinh xã hội.
“Đã qua thời cạnh tranh bằng giá cả đơn thuần, sự khác biệt của sản phẩm, mà giờ đây DN phải tạo ra sự cạnh tranh mang tính bền vững, phải tính đến việc đồng bộ các yếu tố khi hoạch định chiến lược cạnh tranh của mình, như: Y tế, xã hội, môi trường, tiết kiệm các nguồn lực tự nhiên, duy trì đa dạng sinh học”.
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh DN, DN nên coi việc thực hiện an sinh xã hội và tăng trưởng xanh là “sân chơi mới”, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh đem lại lợi nhuận nhưng cũng tạo sự lan tỏa ra cộng đồng và xã hội, chứ không đơn thuần là “trách nhiệm”.
Bên cạnh đó, ông Thành cho rằng: “Mặc dù số DN trốn tránh không ít. Nhưng những DN tốt vẫn còn rất nhiều. Hãy biết cổ vũ những cách làm đúng, những mô hình hay, tuyên dương, khuyến khích người thắng cuộc thay vì chỉ nêu gương xấu”.
Theo VGP