Việt Nam đang từng bước trở thành quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, xuất siêu hầu như được cải thiện theo từng năm. Tuy nhiên, giá trị gia tăng trong một số ngành hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam còn ở mức thấp. Nguyên do, phần lớn hàng hóa xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế, tỷ lệ sản phẩm chưa bảo đảm chất lượng cao. Một số ngành hàng do thiếu nguồn nguyên liệu trong nước nên phải nhập khẩu để chế biến gia công, xuất khẩu. Sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu tại thị trường nước ngoài…
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho rằng: Việc cải thiện giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu đang được đặt ra khá cấp thiết. Để giải quyết vấn đề này cần ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ; đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt với ngành nông nghiệp cần có chính sách phát triển mạnh số lượng và chất lượng các DN tham gia vào khâu sản xuất; nâng cao chuỗi cung ứng nhằm giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh. Ngoài ra, các DN cũng cần lưu tâm xây dựng chiến lược marketing và phát triển thương hiệu.
Ông Nguyễn Văn Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - cũng khuyến cáo: Xúc tiến thương mại là hoạt động quan trọng tối cần thiết để mở rộng thị trường, phát triển xuất khẩu hàng hóa. Hiện hệ thống tổ chức xúc tiến thương mại đã được thiết lập rộng rãi từ trung ương đến các địa phương. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa hiệu quả, trong giai đoạn tới hoạt động xúc tiến thương mại cần tập trung cho từng mặt hàng đặc biệt đối với ngành nông sản.
Bên cạnh việc tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế cần tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên sâu với các nhóm chuyên gia và cán bộ quản lý. Khảo sát kỹ từng thị trường, từng mặt hàng nhằm nắm rõ cung - cầu, đặc điểm thị hiếu, môi trường kinh doanh giúp DN thuận lợi hơn khi đưa hàng hóa xâm nhập thị trường.
Theo Công thương