|
TS. Phạm Minh Điển - Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp - Ban kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo |
Với các chủ đề chính như: Thách thức cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Một số vấn đề về đổi mới doanh nghiệp nhà nước gắn song hành với phát triển kinh tế tư nhân trong mối quan hệ tổng thể; Kinh nghiệm phát triển kinh tế tư nhân. Hội thảo đã tạo cơ hội cho các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng hợp tác.
Chia sẻ về tầm nhìn phát triển doanh nghiệp nhà nước và kinh tế tư nhân trong tương lai, TS. Phạm Minh Điển – Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp – Ban Kinh tế Trung ương cho biết, có thể nói, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về phát triển kinh tế trong đó chú trọng vấn đề cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và về khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển.
Cụ thể, về tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, năm 2001, tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW “Về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”.
Tiếp đó, qua các kỳ Đại hội, Đảng đã có nhiều nghị quyết, kết luận bổ sung và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Từ chỗ cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đến năm 2001 giảm xuống còn 5.655 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, và đến thời điểm tháng 10 năm 2016 chỉ còn 718 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Minh Điển, đến nay doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế. Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực,…
|
Toàn cảnh hội thảo |
Về khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, năm 2002, tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”.
Kết quả là: Kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn trong cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước (Tỷ trọng trong GDP của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả kinh tế cá thể duy trì ổn định khoảng 39 - 40%), tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, số lượng doanh nghiệp của tư nhân tăng nhanh với nhiều loại hình đa dạng; phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh.
Song, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây; năng lực nội tại của kinh tế tư nhân nhìn chung còn thấp, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, cá thể, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới; trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn yếu. Khả năng liên kết với các thành phần kinh tế khác và tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực và toàn cầu còn nhiều hạn chế. Tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm vv… còn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận sôi nổi các nội dung quan trọng và thu hút được nhiều tham luận của đại biểu, đóng góp được những ý kiến, kiến nghị thật sự có giá trị, tập trung làm rõ những căn cứ lý luận và thực tiễn về cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Theo Công Thương