Bộ trưởng Bộ Công thương kỳ vọng doanh nghiệp Ba Lan đầu tư năng lượng tại Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Công thương kỳ vọng doanh nghiệp Ba Lan đầu tư năng lượng tại Việt Nam

Để đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng GDP từ 8% đến 10% mỗi năm, tăng trưởng điện năng của Việt Nam phải đạt mức từ 12-16%/năm trở lên, Bộ trưởng Công thương kỳ vọng doanh nghiệp Ba Lan tăng đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam.

Nguồn:Báo Đầu tư

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn doạnh nghiệp Việt Nam-Ba Lan tại Warsaw, chiều 17/1/2025.

Chiều 17/1, tại Warsaw, Ba Lan, Bộ Công thương Việt Nam phối hợp với Bộ Kinh tế Phát triển và Công nghệ Ba Lan tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và có bài phát biểu tại diễn đàn.

Chia sẻ về kinh tế Việt Nam tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN và thứ 32 thế giới; top 20 về thương mại quốc tế và top 15 về thu hút FDI hàng đầu thế giới, cùng với không khí đầu tư kinh doanh rất sôi động, được xem là một trong những “công xưởng” của thế giới.

"Với thế mạnh về dân số đông, chính trị ổn định; nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, cùng với lợi thế về mặt bằng sản xuất sẵn có và thị trường tiêu thụ rộng lớn, Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động, luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của khu vực và thế giới; đồng thời, là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư nước ngoài", Bộ trưởng Diên nhấn mạnh.

Về hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Ba Lan, hiện Ba Lan là đối tác thương mại lớn thứ 8, nhà đầu tư lớn thứ 9 của Việt Nam tại Liên minh châu Âu. Thời gian qua, thương mại song phương giữa hai nước luôn tăng trưởng đều đặn ở mức 2 con số (năm 2024 là 21,4%.)

Về đầu tư, tính luỹ kế tới hết tháng 12/2024, Ba Lan hiện có 33 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 500 triệu USD. Việt Nam cũng đã có 4 dự án đầu tư tại Ba Lan với tổng số vốn đăng ký 3,6 triệu USD .

Đổi lại, Ba Lan hiện là điểm sáng về công nghệ, công nghiệp. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Ba Lan được coi là trung tâm công nghệ thông tin của châu Âu với các thành phố nổi danh như Vácsava, Krakow, WrolawGdansk - nơi hội tụ nhiều công ty công nghệ lớn từ các starup đến các tập đoàn toàn cầu như Google, IBM, Microsoft...

Cùng với đó, Ba Lan còn được biết đến là quốc gia có nhiều thành tựu về phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo như sản xuất ô tô, đóng tàu, sản xuất điện tử và máy móc thiết bị điện; công nghiệp khai khoáng, hóa dầu, và chuyển đổi năng lượng với các giải pháp năng lượng sạch và công nghệ xanh tiên tiến.

Trước bối cảnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, những nền kinh tế mở, hội nhập sâu như Việt Nam và Ba Lan cần hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn, nhất là trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và chuyển đổi năng lượng để cùng ứng phó và nâng cao sức chống chịu của mỗi nền kinh tế.

Tới đây, việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại song phương cũng như trong khuôn khổ đa phương giữa hai khối ASEAN và EU sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả Việt Nam và Ba Lan.

Chia sẻ tới các nhà đầu tư Ba Lan, Bộ trưởng Diên cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng xanh hóa, phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới; tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân nhằm đa dạng hoá, ổn định nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Để đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng GDP từ 8% đến 10% mỗi năm, tăng trưởng điện năng của Việt Nam phải đạt mức từ 12-16%/năm trở lên, nhu cầu điện năng của Việt Nam đến năm 2030 sẽ cần gấp đôi công suất hiện tại, và đến năm 2050, con số này sẽ phải gấp 5 lần.

Tương ứng nguồn, hệ thống truyền tải để giải tỏa công suất liên miền và nội miền đều phải được quan tâm đầu tư. Giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần 14-16 tỷ USD/năm, từ sau năm 2030 phải cần từ 16-18 tỷ USD/năm mới bảo đảm an ninh năng lượng điện.

Đây là những lĩnh vực mà Ba Lan có thế mạnh với bề dày kinh nghiệm và công nghệ hiện đại. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp hai nước sẽ tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực này thời gian tới, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, năng lượng giữa Việt Nam và Ba Lan ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

"Bộ Công thương và các bộ, ngành của Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan chức năng của Ba Lan để bảo trợ và làm cầu nối hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp xúc, triển khai các hoạt động đầu tư, hợp tác đầu tư trong tương lai", ông Diên nhấn mạnh.

Báo Đầu tư
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang