Tác động của năng lượng tái tạo đến kinh tế Việt Nam

Tác động của năng lượng tái tạo đến kinh tế Việt Nam

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu quan trọng nhằm chuyển dịch cơ cấu năng lượng.

Nguồn:erav

Theo Tiến sĩ Nguyễn Bình Dương (Trường Đại học Ngoại thương), Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2015 (Quyết định 2068/QĐ-TTg) đang đặt ra những mục tiêu quan trọng nhằm chuyển dịch cơ cấu năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và hướng tới phát triển bền vững.

Hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0"

Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu đạt 62 triệu tấn dầu quy đổi (MTOE) năng lượng tái tạo, chiếm 32,3% tổng năng lượng sơ cấp và tăng lên 138 MTOE (44%) vào năm 2050. Trong lĩnh vực điện, năng lượng tái tạo dự kiến đóng góp 32% sản lượng (186 tỷ kWh) vào năm 2030 và 43% (452 tỷ kWh) vào năm 2050. Các nguồn cụ thể như thủy điện tích năng, điện gió, điện mặt trời và sinh khối cũng được định hướng tăng trưởng mạnh. Đáng chú ý, điện mặt trời được kỳ vọng tăng từ 6% (35,4 tỷ kWh) năm 2030 lên 20% (210 tỷ kWh) năm 2050.

Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu đạt 62 triệu tấn dầu quy đổi (MTOE) năng lượng tái tạo, chiếm 32,3% tổng năng lượng sơ cấp và tăng lên 138 MTOE (44%) vào năm 2050. Ảnh: Thăng Long Wind

Chiến lược này không chỉ tập trung vào sản xuất năng lượng mà còn hướng tới giảm 25% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và 45% vào năm 2050. Đồng thời, việc cắt giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch như than (40 triệu tấn năm 2030) và dầu (3,7 triệu tấn) sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Số liệu năm 2022 cho thấy, cơ cấu năng lượng Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào than đá (45%), trong khi năng lượng tái tạo chiếm 21%, chủ yếu từ sinh khối (9%) và thủy điện (8%). Điều này phản ánh nhu cầu cấp thiết của việc đẩy nhanh chuyển đổi để đạt các mục tiêu đã đề ra.

Với lộ trình rõ ràng, Việt Nam kỳ vọng tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xanh, ứng phó biến đổi khí hậu và nâng cao vị thế trên bản đồ năng lượng toàn cầu.

Lợi ích và thách thức

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Bình Dương, việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đang tạo ra những tác động kép lên cả kinh tế và môi trường. Trong khi nguồn điện sạch giúp giảm giá thành, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thì bài toán cân bằng giữa an ninh năng lượng và mục tiêu giảm phát thải vẫn là thách thức lớn.

Nghiên cứu sử dụng mô hình GTAP-E-Power - công cụ phân tích chính sách tiên tiến - đã chỉ ra rằng, việc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo sẽ thúc đẩy tăng trưởng “vũ bão” của điện gió và mặt trời. Cụ thể, sản lượng điện gió dự kiến tăng 901,7 - 1.014,9% vào năm 2025 và 481,9 - 517,5% vào năm 2030. Điện mặt trời cũng được kỳ vọng chiếm 20% tổng sản lượng điện vào năm 2050. Tuy nhiên, điện than vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ lực với mức tăng trưởng lên tới 12.197,1 triệu USD vào năm 2030, phản ánh chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng trước mắt của Chính phủ.

Một trong những tác động tích cực nhất của quá trình chuyển đổi là việc giảm mạnh giá điện. Kết quả mô phỏng cho thấy, giá điện than giảm 62,91 - 65,55%, điện gió giảm 77,15 - 78,13% và điện mặt trời cùng các nguồn tái tạo khác giảm 66,67 - 66,97%. Mức giá này tạo đà cho các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng (như thép, xi măng) tăng trưởng 6,6 - 21,99%, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nhu cầu điện toàn quốc cũng tăng mạnh, đặc biệt là điện gió (463 - 498%) và các nguồn tái tạo khác (248 - 260%), cho thấy xu hướng dịch chuyển rõ rệt sang năng lượng sạch.

Tuy nhiên, nghịch lý nằm ở chỗ, dù năng lượng tái tạo phát triển, phát thải khí nhà kính của Việt Nam vẫn có nguy cơ tăng 1,67 - 4,3% trong ngắn hạn. Nguyên nhân chính đến từ việc mở rộng sản xuất nhiệt điện (than, khí) để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao, cùng với việc các ngành này vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. tiến sĩ Dương nhấn mạnh: “Trong giai đoạn chuyển tiếp, Việt Nam cần song hành phát triển năng lượng tái tạo với công nghệ giảm phát thải từ nhiệt điện, như thu giữ carbon hoặc sử dụng nhiên liệu pha trộn”.

Về dài hạn, nghiên cứu của Tiến sĩ Dương khẳng định, lộ trình tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 32,3% (2030) và 44% (2050) sẽ giúp Việt Nam cắt giảm 25 - 45% lượng phát thải, đồng thời giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch (40 - 150 triệu tấn than và 3,7 - 10,5 triệu tấn dầu). Để hiện thực hóa mục tiêu này, các chuyên gia đề xuất tập trung vào phát triển lưới điện thông minh, công nghệ tích trữ năng lượng (như thủy điện tích năng đạt 8.000 MW vào năm 2050) và thu hút đầu tư quốc tế cho dự án điện sạch.

Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế định giá carbon và khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ được xem là chìa khóa để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. “Giảm giá điện từ nguồn tái tạo không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn thúc đẩy thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp”, tiến sĩ Dương chia sẻ.

Một số hàm ý chính sách

Với cam kết mạnh mẽ hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để định hình lại cơ cấu năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, thành công của lộ trình này phụ thuộc vào sự đồng bộ trong chính sách, sự tham gia của toàn xã hội và hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã ban hành Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia với trọng tâm là đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Bình Dương, việc triển khai công nghệ này đòi hỏi chi phí cao trong ngắn hạn và trung hạn, đặc biệt với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Vì vậy, đến năm 2030, Việt Nam vẫn duy trì chính sách phát triển song song cả năng lượng tái tạo và điện từ nhiên liệu hóa thạch, trong đó có điện than, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.

Các mô hình nghiên cứu cho thấy, khi nguồn cung điện dồi dào hơn, giá điện trong nước có thể giảm mạnh, kéo theo chi phí sản xuất trong các ngành công nghiệp giảm, góp phần hạ giá thành sản phẩm. Điều này mang lại lợi ích kinh tế lan tỏa, giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa với giá thấp hơn. Đồng thời, giá điện giảm cũng khuyến khích doanh nghiệp tăng cường sử dụng điện thay vì nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí tự nhiên. Xu hướng này không chỉ giúp giảm khai thác nhiên liệu hóa thạch mà còn thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo.

Mặt khác, các hộ gia đình cũng hưởng lợi từ giá điện giảm, tạo động lực chuyển sang sử dụng điện từ nguồn tái tạo. Đây được xem là bước tiến quan trọng giúp Việt Nam từng bước giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và hướng đến nền kinh tế xanh. Theo nghiên cứu, nếu Việt Nam duy trì chính sách phát triển năng lượng tái tạo một cách nhất quán, mô hình sản xuất sạch hơn có thể được định hình rõ rệt trong tương lai.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Một số ngành như khai thác than, dầu khí và sản xuất sản phẩm dầu mỏ có nguy cơ suy giảm do nhu cầu nhiên liệu hóa thạch giảm. Khi các ngành này thu hẹp quy mô, lao động không có kỹ năng sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc mới. Nếu lực lượng lao động này là nguồn thu nhập chính của gia đình, nguy cơ bất ổn xã hội có thể gia tăng. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần tính toán các biện pháp hỗ trợ, bao gồm đào tạo lại lao động, tạo điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp và cung cấp trợ cấp trong giai đoạn chuyển tiếp.

Bên cạnh đó, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo cũng đặt ra nhiều thách thức về môi trường và sử dụng đất. Việc mở rộng các trang trại điện gió, điện mặt trời, hay các nhà máy thủy điện có thể ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất, sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực. Những điều chỉnh chính sách có thể sẽ tiếp tục diễn ra, nhất là khi Việt Nam phải cân đối giữa mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.

Phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu, mang lại lợi ích lâu dài cho Việt Nam trong bối cảnh quốc tế đề cao vai trò của năng lượng sạch. Nghiên cứu từ mô hình GTAP-E-Power cho thấy, mở rộng nguồn năng lượng tái tạo không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế mà còn góp phần giảm giá điện, tạo lợi ích trực tiếp cho người dân. Tuy nhiên, để quá trình này diễn ra suôn sẻ, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ hợp lý cho các ngành chịu tác động tiêu cực, đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp, Việt Nam sẽ tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu tác động môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng trong dài hạn.

erav
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang