Nghịch lý sản phẩm Việt “chê” thương hiệu Việt

Nghịch lý sản phẩm Việt “chê” thương hiệu Việt

Việc 90% nông sản xuất khẩu của Việt Nam phải “đội lốt” thương hiệu nước ngoài để xuất khẩu là một thực tế khó chấp nhận. Song còn một sự thật đau xót hơn là hiện nay, nhiều sản phẩm Việt tiêu thụ ở thị trường trong nước cũng đang phải “mượn danh” mác ngoại. Vì sao lại có thực tế tréo ngoe như vậy?


Ông Trần Nhật Tân – Phó trưởng phòng nghiên cứu VIBIZ (chuyên trang cơ sở dữ liệu nghiên cứu, phân tích về các ngành kinh tế và kinh doanh) của công ty Cổ phần Yoilo Toàn Cầu, cho biết gạo Việt Nam đang mượn mác ngoại nhằm nâng giá bán sản phẩm.

BCSI KHUYNH HƯỚNG TIÊU DÙNG 2017.JPG

Ông Trần Nhật Tân – Phó trưởng phòng nghiên cứu VIBIZ trình bày tham luận tại Diễn đàn

Mượn mác ngoại để nâng giá

Nghiên cứu của VIBIZ được thực hiện từ ngày 15/3 – 25/3/2017 tại 75 cửa hàng và 13 đại lý kinh doanh gạo, 121 người tiêu dùng mua gạo tại hai thành phố là Hà Nội và Tp.HCM.

Kết quả nghiên cứu, ông Tân cho biết, 64% gạo trên thị trường là gạo Việt Nam nhưng gắn mác nước ngoài để tăng lợi nhuận; 53% người tiêu dùng thích ăn gạo ngoại xuất xứ Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản…

Đáp ứng nhu cầu này, nhiều đại lý cửa hàng bán gạo đã gắn mác ngoại cho gạo Việt để dễ tiêu thụ và nâng giá bán sản phẩm. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng trong số gần 67 loại gạo trên thị trường chỉ 21 loại gạo được đặt tên theo Việt Nam. Ông Nguyễn Quốc Thịnh – Chủ tịch Hội đồng cố vấn Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng tâm lý sính ngoại còn nhiều, nhiều sản phẩm sản xuất của Việt Nam được thế giới ưa chuộng nhưng đáng tiếc hàng đó không mang thương hiệu Việt.

Theo ông Thịnh, các doanh nghiệp (DN) Việt hiện nay thường định vị thương hiệu quá cao, lúc nào cũng muốn so sánh sản phẩm của mình với nước ngoài, với thế giới. Tôi cho rằng điều này không nhất thiết phải làm như vậy.

Qua thực tế khảo sát thị trường và hơn 100 người tiêu dùng là đối tượng trẻ tuổi, ông Thịnh nhận thấy trong lĩnh vực kinh doanh đồ uống, các DN Việt thường định vị sản phẩm đồ uống của mình hướng đến giá trị ngoại, để người tiêu dùng cảm thấy đồ uống của mình là đồ uống ngoại, như vậy mới tin cậy dùng. Do đó, ngay từ khâu đặt tên, nhiều sản phẩm Việt đã rất giống với tên của Đài Loan, Thái Lan hay Mỹ.

Đồ gia dụng, giày dép cũng có xu hướng định vị hướng ngoại. Các DN giải thích: “Đặt tên nghe có vẻ ngoại mới có khả năng bán hàng tốt. Tuy nhiên, tôi cho rằng bản thân các DN cũng cần suy nghĩ để thay đổi chiến lược định vị của mình”, ông Thịnh khẳng định.

Cùng với đó, nguyên nhân sâu xa được chỉ ra là do người Việt chưa thực sự tin vào hàng Việt. Ông Chaitanya Kishore Reddy, Giám đốc nghiên cứu, đại diện TNS Việt Nam, chia sẻ câu chuyện khi nói về hàng Việt Nam, đa phần người tiêu dùng đều có chung nhận định hàng tốt sẽ không có giá rẻ, hàng rẻ sẽ không có chất lượng tốt. Do vậy, những mặt hàng như đồ gia dụng, thiết bị cá nhân, người Việt chuộng thương hiệu quốc tế hơn.

Đồng tình với quan điểm này, báo cáo của VIBIZ cho biết, người Việt Nam vẫn quay lưng với hàng nội địa. Cụ thể, 57,3% người tiêu dùng tin rằng hàng fake (nhái) loại tốt vẫn có giá trị thương hiệu tốt hơn hàng Việt; 62,5% người tiêu dùng cho rằng hàng fake giá hợp lý hơn hàng Việt; 53% người tiêu dùng tin hàng fake vì giá và mẫu mã đẹp; 29,4% người tiêu dùng sử dụng hàng fake vì thời gian sử dụng, có thể thay đổi phong cách liên tục.

Để dễ bán hàng, nhiều DN sẵn sàng đổi tên Việt sang mác ngoại cho sản phẩm

“Có sản phẩm ắt có người mua”

Theo ông Chaitanya Kishore Reddy, xu hướng tiêu dùng của người Việt hiện nay là mong muốn mặt hàng tốt, giá cả phải chăng nhưng phải duy trì được chất lượng, mẫu mã, đồng thời logo hình ảnh cũng phải cải thiện.

Tuy nhiên, xét trên nhiều khía cạnh, hàng Việt đang tỏ ra lép vế hơn so với hàng ngoại. Đặc biệt, về hệ thống phân phối bán lẻ, lợi thế đang nghiêng về hàng ngoại khi ngày càng có nhiều hệ thống bán lẻ nước ngoài chi phối thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, năng lực của DN bán lẻ trong nước quá yếu. Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), chia sẻ rằng chúng ta chưa xây dựng được chính sách để DN bán lẻ nội cạnh tranh với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Thống kê cho thấy, hơn 160.000 DN là nhỏ và siêu nhỏ tham gia phân phối và bán lẻ hàng hóa, trong khi chỉ có một số DN lớn, nhưng lớn so với Việt Nam mà không phải với thế giới.

Ông Quyền cho rằng: “Chúng ta chỉ nghĩ làm sao cho có hàng để tiêu thụ, vậy nên chính sách ưu đãi đầu tư tập trung chủ yếu cho sản xuất, mà không có chính sách hỗ trợ cho bán lẻ. Dường như câu chuyện ‘phi thương bất phú’, có sản phẩm ắt có người mua vẫn diễn ra”.

Do đó, theo ông Quyền, các DN cần hỗ trợ, nếu Nhà nước không hỗ trợ tiền, ít nhất nên hỗ trợ bằng “cần câu” như tín dụng, ưu đãi thuế. Nhưng nhìn lại, thương nhân kinh doanh nhiều lĩnh vực trong nước gần như không có ưu đãi, đất phải đấu thầu giá cao, các cơ chế tài chính tín dụng gần như không có gì.

Đặc biệt, để nhận biết được khuynh hướng tiêu dùng của người Việt với sự phát triển khoa học công nghệ, kỹ thuật số ngày càng cao, các DN cần tập trung vào một đối tượng khách hàng mà chúng ta hay gọi là người tiêu dùng kết nối hoặc còn gọi là người mua hàng đa kênh.

Theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu người tiêu dùng, đại diện Nielsen Việt Nam, hiện nay, chúng ta có nhiều cơ sở có thể khai thác được khách hàng. Theo nghiên cứu của Nielsen, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh chiếm hơn 80% ở thành thị và 50% ở nông thôn. Điều này giúp cho người tiêu dùng có thể ngồi một chỗ mua bất cứ sản phẩm gì, ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Đó chính là người tiêu dùng kết nối mà DN cần quan tâm.

Tuy nhiên, người tiêu dùng kết nối rất đông nên các DN muốn tiếp cận, kết nối được cần phải chủ động đưa ra những mô hình kinh doanh và vận chuyển kịp thời, quảng bá thông tin chính thống phải rõ ràng. DN phải hiểu được khách hàng kết nối là ai, tiếp cận họ ở đâu và nhu cầu của họ là gì. Điều này giúp DN đưa ra những sản phẩm và cách tiếp cận tốt.

Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

Có đánh giá được khuynh hướng tiêu dùng, DN mới biết được nhu cầu tiêu dùng. Dù phát triển mạnh trong 30 năm qua nhưng cơ bản DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại đều là DN nhỏ và vừa, vốn hạn chế, nên tổ chức khâu lưu thông hàng Việt còn hạn chế.

Ông Nguyễn Quốc Thịnh - Chủ tịch Hội đồng cố vấn Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Bàn đến vấn đề định vị thương hiệu là nỗ lực của DN nhằm tạo dựng thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Chúng ta phải định vị cho thương hiệu của mình nằm ở vị trí mong muốn, dễ nhận thấy trong tâm trí khách hàng, có như vậy sản phẩm do DN Việt sản xuất mới có chỗ đứng trên thị trường. Hôm nay, không có sản phẩm người ta mới tiêu thụ sản phẩm Việt nhưng ngày mai sản phẩm nước ngoài tốt hơn, giá rẻ hơn, họ sẽ chọn sản phẩm nước ngoài. Vì vậy, chúng ta cần suy nghĩ thay đổi sản xuất, thương mại, bán hàng thế nào để phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng mới.

Ông Chaitanya Kishore Reddy - Giám đốc nghiên cứu, đại diện TNS Việt Nam

Hiện nay, đang có xu hướng là người tiêu dùng cá nhân, mỗi người có những lựa chọn khác nhau, thị hiếu tiêu dùng khác nhau. Chính điều này khiến cho việc DN Việt Nam tiếp cận khách hàng trở nên phức tạp hơn. Để thu hút được người tiêu dùng như vậy, DN Việt Nam hãy kết nối cá nhân với từng người tiêu dùng thay vì kết nối theo nhóm. Đồng thời, khuynh hướng tiêu dùng của người tiêu dùng Việt đã thay đổi từ chợ truyền thống chuyển sang các siêu thị tiện ích, đó là lý do khiến những cửa hàng nhỏ ở các con phố nhỏ đông khách. Các DN nên tìm kiếm các kênh phân phối nhỏ như vậy để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

 

Theo TBKD

 

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang