.png)
Những chính sách thương mại của ông Trump tiếp tục mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Ảnh tư liệu
Trump 2.0 sẽ rõ hơn, nhưng phải theo dõi liên tục
Trong nhiệm kỳ trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra nhiều chính sách kinh tế và thương mại có tác động sâu rộng đến toàn cầu. Đáng chú ý là chính sách "Nước Mỹ trên hết" các biện pháp bảo hộ thương mại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, và những thay đổi trong chính sách thuế và đầu tư. Những chính sách này đã tạo ra những xáo trộn trong chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế, trong đó Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế chịu tác động mạnh.
Và ở nhiệm kỳ này, những chính sách thương mại của ông Trump tiếp tục mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho Việt Nam trong bối cảnh đất nước thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực.
Ông Suan Teck Kin - Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của UOB Group cho biết, những lĩnh vực có thể được hưởng lợi từ chính sách của ông Trump bao gồm: Ngân hàng (nới lỏng quy định), thị trường nhà đất (lãi suất thấp hơn), sản xuất nội địa (thuế nội địa, thuế nhập khẩu), nhiên liệu hóa thạch và ngành công nghiệp nặng (giảm bớt các quy định về tiêu chuẩn xanh).
Những chính sách này cũng mở ra cơ hội cho Việt Nam đa dạng hóa thương mại để giảm rủi ro phụ thuộc quá mức; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng trong nước để giảm thiểu rủi ro bên ngoài và tăng cường khả năng cạnh tranh trong tương lai; và dư địa cho hỗ trợ tài khóa nhiều hơn.
Tuy nhiên, ông Suan Teck Kin cũng đưa ra cảnh báo, các mối đe dọa thuế tiềm ẩn vì có khả năng Mỹ sẽ áp thêm thuế mới lên hàng hóa từ Việt Nam. Nguy cơ thuế quan gia tăng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, rủi ro trong thị trường tài chính, sự biến động đồng USD và ngoại hối do chính sách thương mại của Mỹ và bất ổn địa chính trị.
iện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, tác động của chính sách thương mại của Trump đối với Canada, Mexico và Trung Quốc sẽ trở nên rõ ràng hơn theo thời gian. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, tình hình cần được theo dõi liên tục.
Ông Thành giả sử, nếu chính sách thuế quan của Trump được mở rộng sang Việt Nam, có thể sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam thông qua cán cân thương mại, tỷ giá hối đoái, chuỗi cung ứng và đầu tư FDI.
“Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, Việt Nam và một số nền kinh tế khác được cho là được hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi nhiều nhà sản xuất chuyển nhà máy sang đó để tránh thuế quan của Mỹ. Điều này giúp Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn thứ 3 với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, quan hệ Mỹ - Việt tiếp tục được củng cố với việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ - Việt. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ này của ông Trump, Việt Nam có thể không được hưởng những lợi ích tương tự và dòng vốn FDI có thể chậm lại vào đầu năm 2025 cho đến khi các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về việc liệu Việt Nam có phải là mục tiêu của các chính sách của ông hay không?" TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phân tích.
Việt Nam phải thể hiện chính sách nhất quán
PGS. TS Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, những chính sách của Trump đang có lợi cho Việt Nam, điển hình là áp thuế 10% với Trung Quốc và sắp tới có thể sẽ áp thuế thêm. Nhìn lại năm 2018, khi cuộc thương chiến diễn ra thì Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách này. Xu hướng chuyển dịch nhà máy ở Trung Quốc, hoặc là điểm trung chuyển, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều dòng vốn đầu tư trong thời gian tới đặc biệt là lĩnh vực công nghệ.
“Tuy nhiên, vẫn có rủi ro vì có thể Mỹ cũng sẽ phát hiện ra sự thay đối đó và có thể áp thuế tương tự đối với Việt Nam, hoặc đưa Việt Nam vào diện thao túng tiền tệ. Do đó, Việt Nam phải thể hiện chính sách nhất quán không phải là điểm trung chuyển hàng hoá” - PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn cung là rất quan trọng để quản lý rủi ro trong tương lai, đặc biệt đối với các nền kinh tế định hướng thương mại như ASEAN và Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, trước bối cảnh này, các doanh nghiệp nội địa có thể tranh thủ thời cơ này để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ cũng phải có những quy định bắt buộc về tỷ lệ nội địa hoá và yêu cầu các doanh nghiệp FDI phải hợp tác nhiều hơn đối với các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam để cùng chia sẻ và phát triển. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hoá của các sản phẩm xuất khẩu rất thấp.
Bên cạnh đó, Việt Nam phải xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ để góp phần hỗ trợ cho việc thúc đẩy phát triển cũng như tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam cần củng cố ngoại giao thông minh với các cường quốc
Theo TS. Võ Trí Thành, Việt Nam cần phải tập trung vào việc phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, bao gồm công nghệ cao, sản xuất thông minh, và các ngành sản xuất có thể xuất khẩu sang các thị trường ngoài Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam cũng cần phải tích cực đàm phán với các đối tác thương mại quốc tế, bao gồm các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á, để mở rộng cơ hội xuất khẩu và thu hút các nguồn đầu tư mới.
"Điều quan trọng là Việt Nam cần phải duy trì một chiến lược ứng phó linh hoạt với các chính sách của Mỹ, bao gồm việc đảm bảo rằng nền kinh tế Việt Nam không bị lệ thuộc vào một thị trường duy nhất, mà cần phải đa dạng hóa các kênh thương mại và nguồn vốn" - TS. Võ Trí Thành nói. TS, Võ Trí Thành cho rằng trong quan hệ thương mại, việc xử lý khéo léo các tương tác với các đối tác lớn là rất quan trọng. Việt Nam có điều kiện thuận lợi để làm điều này vì là đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nước lớn.
Vì thế, Việt Nam cũng cần phải duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các quốc gia lớn, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các hiệp định với EU, Nhật Bản và các nước trong khu vực. Các thỏa thuận này sẽ giúp giảm thiểu tác động từ chính sách bảo hộ của Mỹ, đồng thời mở rộng cơ hội hợp tác kinh tế với các quốc gia phát triển. Khi Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay, trọng tâm không chỉ là đạt được những con số cao hơn mà quan trọng hơn là xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững lâu dài và củng cố vị thế quốc tế thông qua ngoại giao thông minh với các cường quốc toàn cầu. Tương lai của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào những chiến lược này, tạo ra một môi trường thân thiện với tăng trưởng trong bối cảnh bất ổn toàn cầu./.