Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ, việc định hướng chính sách công nghiệp nhằm đưa doanh nghiệp Việt Nam vươn ra “biển lớn” không chỉ là một mục tiêu mà còn là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững và tự chủ cho đất nước.
Doanh nghiệp Việt vươn tầm toàn cầu: Tầm nhìn chiến lược cho một nền kinh tế tự cường
Tầm nhìn toàn cầu hóa phải là "thước đo" cho mọi chính sách công nghiệp, nơi doanh nghiệp Việt không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn đủ sức cạnh tranh và thắng thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam đang đón nhận dòng vốn FDI khổng lồ, mang theo công nghệ và cơ hội mới. Tuy nhiên, TS Nguyễn Quỳnh Trang, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cảnh báo về nguy cơ phụ thuộc quá mức vào nguồn vốn này. Bà nhấn mạnh, nếu không chủ động, Việt Nam sẽ bị dẫn dắt theo lợi ích của các tập đoàn nước ngoài, kìm hãm sự phát triển năng lực nội sinh và mất đi tính tự chủ kinh tế.
Việc định hướng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu là chiến lược được nhiều quốc gia châu Á và Mỹ La-tinh áp dụng. Tuy nhiên, trong khi nhiều nước rơi vào "bẫy" phụ thuộc nguồn lực bên ngoài, các quốc gia Đông Á lại thành công trong việc vượt qua thách thức này.
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, người có nhiều năm theo dõi quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, khẳng định, xây dựng và thực thi chính sách công nghiệp hiệu quả đòi hỏi tầm nhìn vượt ra khỏi biên giới quốc gia.
Ông Thành đồng tình rằng, bài học từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan, dù còn nhiều tranh cãi, đã cho thấy sự thành công trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và đặt họ vào một môi trường cạnh tranh quốc tế. Không đơn thuần là bảo hộ hay nuông chiều, những quốc gia này đã sử dụng chính sách công nghiệp như một công cụ để nâng đỡ, sàng lọc và tạo ra những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu thực sự.
Theo TS Võ Trí Thành, tầm nhìn toàn cầu phải là “thước đo” của mọi chính sách công nghiệp. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phát triển để phục vụ thị trường trong nước mà phải đủ sức tham gia và thắng thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm được điều đó, việc xây dựng chính sách công nghiệp phải dựa trên nguyên tắc thị trường, thúc đẩy vận động, cải thiện liên tục môi trường kinh doanh, và không thể xa rời những chuẩn mực quốc tế hiện đại.
Bên cạnh nền tảng kinh nghiệm từ Đông Á, TS Thành đặc biệt lưu ý đến những thay đổi lớn trong môi trường kinh tế toàn cầu hiện nay. Chính sách công nghiệp không thể đứng ngoài xu thế "xanh hóa" và phát triển bền vững – những yếu tố không chỉ mang tính đạo đức mà còn trở thành rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế.
TS. Thành cho rằng, Việt Nam cần chuyển từ lợi thế so sánh tĩnh (như lao động giá rẻ) sang lợi thế cạnh tranh động, nơi đổi mới sáng tạo, công nghệ và khả năng thích ứng mới là yếu tố quyết định. Vai trò của công nghiệp trong tạo việc làm chất lượng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và dẫn dắt các ngành kinh tế khác vẫn vô cùng quan trọng, nhưng phải gắn với khả năng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và ứng phó với những thay đổi địa kinh tế, địa chính trị sâu rộng hiện nay.
Một điểm đáng chú ý trong kiến nghị của TS Võ Trí Thành là việc lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên cần linh hoạt, dựa trên thế mạnh hiện tại nhưng cũng không ngại đầu tư vào những ngành có tiềm năng dẫn dắt tương lai, như công nghệ cao, kinh tế số, năng lượng tái tạo hay công nghiệp sáng tạo. Điều quan trọng là phải đưa doanh nghiệp Việt Nam ra “biển lớn” thị trường quốc tế trong một môi trường chính sách thân thiện với thị trường (market friendly), nhưng cũng không thể thiếu sự dẫn dắt chiến lược của Nhà nước
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, TS Nguyễn Quỳnh Trang đề xuất bốn chiến lược thiết thực là phát triển cụm ngành để tối ưu hóa chi phí và cạnh tranh, thay vì chờ từng doanh nghiệp lẻ, Việt Nam nên thúc đẩy hình thành các cụm ngành tập trung. Đây là nơi nhiều doanh nghiệp cùng lĩnh vực, từ nhỏ đến lớn, cùng chia sẻ chuỗi cung ứng, dịch vụ hỗ trợ, kết nối với trung tâm R&D đào tạo; từ đó tận dụng được "economies of scale", tiết kiệm chi phí và tăng năng lực cạnh tranh.
Giảm chi phí sản xuất để giữ lợi thế giá thành, TS Trang nhấn mạnh giá thành là yếu tố sống còn cho doanh nghiệp nội. Chúng ta cần đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, cải thiện quy trình sản xuất, kỹ thuật hóa và số hóa để giảm chi phí, nhất là lao động, vật liệu, logistics. Đây là cách giúp sản phẩm Việt vẫn giữ thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tiếp cận công nghệ như yếu tố chủ chốt: Công nghệ là chìa khóa để sản xuất hiệu quả và tăng giá trị. Việt Nam cần triển khai mạnh mẽ chiến lược chuyển giao công nghệ, hợp tác với trung tâm nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp FDI để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đồng thời tăng cường hệ thống hỗ trợ R&D, giảm thuế cho công ty đầu tư vào sáng tạo khoa học.
Mở rộng tiếp cận vốn, đa dạng hóa nguồn lực tài chính: Không nên chỉ phụ thuộc vào tín dụng, phải đa dạng hóa bằng quỹ đầu tư mạo hiểm, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp với chính sách ưu đãi cho dự án đổi mới. TS Trang đưa ra ví dụ từ Nhật Bản: “Họ biết huy động nguồn lực trong dân chứ không trông chờ vào nước ngoài.”
TS Trang nhấn mạnh rằng chỉ khi nào doanh nghiệp Việt trở nên lớn mạnh, có công nghệ và giá trị riêng, mới có thể thiết lập vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu và thương lượng bình đẳng với FDI. Cụm ngành, giảm giá thành, công nghệ và vốn là đường tắt để đi tới mục tiêu đó.
Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh, đầu tư vào công nghệ, đây mới là chìa khóa để nền kinh tế vững vàng hơn, không phụ thuộc và có thể đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu với thế chủ động.
Nếu Việt Nam kiên quyết đi theo lộ trình cải cách thể chế, tập trung vào ba yếu tố cốt lõi: chi phí - công nghệ - vốn, thì hướng đi này không chỉ giúp giảm lệ thuộc vào vốn nước ngoài, mà còn mở đường tới sự phát triển kinh tế tự chủ, bền vững và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.