Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục ứng biến linh hoạt

Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục ứng biến linh hoạt

Trong năm 2024, nền kinh tế toàn cầu đã trải qua những biến động lớn do nhiều yếu tố tác động, bao gồm căng thẳng địa chính trị, biến động giá năng lượng và những thay đổi trong chính sách tiền tệ của các nước lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt là qua các kênh thương mại, đầu tư và tỷ giá hối đoái. Trong bối cảnh đó, theo đánh giá của giới chuyên môn, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, chủ động để điều hành chính sách tiền tệ, hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng.

Nguồn:Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động đã hóa giải sức ép

Trong năm 2024, nền kinh tế toàn cầu đã trải qua những biến động lớn do nhiều yếu tố tác động, bao gồm căng thẳng địa chính trị, biến động giá năng lượng và những thay đổi trong chính sách tiền tệ của các nước lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt là qua các kênh thương mại, đầu tư và tỷ giá hối đoái. Trong bối cảnh đó, theo đánh giá của giới chuyên môn, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, chủ động để điều hành chính sách tiền tệ, hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng.

TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định, trong mấy năm trở lại đây, NHNN luôn thể hiện sự chủ động trong điều hành chính sách và đạt hiệu quả tích cực. Năm 2023, NHNN là một trong những NHTW đầu tiên trên thế giới điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế. Từ đầu năm 2024 đến nay, trước áp lực tỷ giá gia tăng, NHNN điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và có bước điều chỉnh chính sách phù hợp.

Cụ thể, NHNN đã có những điều chỉnh đáng chú ý đối với lãi suất tín phiếu và OMO. Sau 2 tháng đầu năm duy trì ổn định, đến ngày 23/3, NHNN tăng lãi suất tín phiếu 0,25%/năm từ 3,65% lên 3,9%/năm. Một tháng sau, ngày 23/4, NHNN tăng lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) từ 4% lên 4,25%/năm. Đến ngày 22/5, NHNN tiếp tục tăng lãi suất OMO thêm 0,25 điểm phần trăm, từ 4,25%/năm lên 4,5%/năm. Đồng thời, lãi suất trúng thầu tín phiếu cũng tăng từ 3,9%/năm lên 4%/năm, cao nhất kể từ tháng 3/2023.

Khi lãi suất OMO tăng, lãi suất tiền gửi VND cũng có xu hướng tăng theo khiến việc nắm giữ VND trở nên hấp dẫn hơn so với ngoại tệ. Điều này giúp giảm áp lực lên tỷ giá, hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại tệ. Và khi tỷ giá hạ nhiệt, đầu tháng 8, NHNN đã chuyển sang giảm lãi suất, dừng hút tiền qua tín phiếu và bơm ròng thanh khoản để hỗ trợ tăng trưởng.

“Nhìn chung, thị trường tiền tệ kể từ đầu năm 2024 được NHNN điều hành một cách thông suốt. Lãi suất huy động VND có tăng nhưng không mạnh, ở mức phù hợp. NHNN điều tiết thanh khoản tiền đồng hiệu quả trên thị trường mở, sớm hạ nhiệt tỷ giá”, TS. Võ Trí Thành nhận xét.

Đối với tín dụng, ngay từ đầu năm NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD với mức tăng trưởng chung khoảng 15%. Song song với đó, NHNN cũng đã triển khai nhiều giải pháp như duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành điều tiết lượng tiền cung ứng qua thị trường mở nhằm hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng tín dụng... Tuy nhiên trước thực tế tăng trưởng còn chậm, NHNN cũng chủ động điều chỉnh nới room tín dụng cho các ngân hàng đạt 80% chỉ tiêu được giao từ đầu năm. Động thái phân bổ lại room tín dụng tạo cơ sở để các ngân hàng tăng cường vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP trong những tháng cuối năm. Qua đó cho thấy quyết tâm của NHNN hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Áp lực vẫn còn đối với điều hành chính sách tiền tệ

Mặc dù đạt được kết quả tích cực, song theo nhận định của giới chuyên môn, với một thế giới đầy bất định, trong điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm 2024, NHNN sẽ phải đối mặt với thách thức và rủi ro từ cả bên trong lẫn bên ngoài, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các chính sách đưa ra.

Một chuyên gia ngân hàng phân tích, rủi ro từ bên ngoài đó là giá dầu và các loại năng lượng khác có thể tiếp tục biến động, tạo áp lực lớn lên lạm phát trong nước. Đây là yếu tố mà NHNN khó kiểm soát và cần có các biện pháp dự phòng thích hợp. Bên cạnh đó, các căng thẳng thương mại giữa các cường quốc kinh tế, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, có thể tác động đến dòng vốn và thương mại quốc tế, ảnh hưởng gián tiếp đến kinh tế Việt Nam.

Với áp lực nội tại, lạm phát trong nửa đầu năm đã có dấu hiệu gia tăng do giá cả hàng hóa và dịch vụ leo thang, đặc biệt là nhóm mặt hàng do Nhà nước quản lý và giá hàng hóa thế giới còn ở mức cao. Một số ngành kinh tế vẫn đang gặp khó khăn trong việc phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, dẫn đến khả năng hấp thụ vốn thấp. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của các chính sách tín dụng hỗ trợ tăng trưởng.

Không phủ nhận nền kinh tế ẩn chứa nhiều bất định, chưa lường trước được, áp lực về lạm phát lên điều hành chính sách tiền tệ là có, nhưng TS. Võ Trí Thành cho rằng sẽ không lớn. Bởi nhiều tổ chức quốc tế dự báo lạm phát toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới. Dự báo trên dựa trên cơ sở giá dầu và các mặt hàng năng lượng khác đã giảm đáng kể so với mức đỉnh năm ngoái; tăng trưởng một số nền kinh tế lớn vẫn còn yếu... Điều này góp phần giảm đáng kể áp lực lên lạm phát. Ở trong nước, việc điều chỉnh tăng lương đã không tác động mạnh lên lạm phát. Theo đó, lạm phát trong nước dự báo vẫn đạt được mục tiêu đặt ra là dưới 4,5%.

Tuy nhiên, theo khuyến nghị của TS. Võ Trí Thành, để đối phó với những thách thức nêu trên, NHNN cần tiếp tục theo đuổi một chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Theo Bộ Tài chính, trong 8 tháng đầu năm, lũy kế thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.335,6 nghìn tỷ đồng, bằng 78,5% dự toán, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện tại, Kho bạc Nhà nước cũng đang duy trì lượng tiền gửi rất lớn tại một số NHTM, trong bối cảnh ngân sách nhà nước tiếp tục thặng dư. Đây là nguồn lực lớn giúp cân bằng lượng tiền đồng mà NHNN hút bớt từ việc bán USD và phát hành tín phiếu thời gian qua, vừa góp phần bình ổn lãi suất vốn đang chịu nhiều sức ép tăng.

Bên cạnh điều tiết thanh khoản, mở rộng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chuyên gia ngân hàng TS. Châu Đình Linh cho rằng, NHNN cần tiếp tục tăng cường công tác giám sát, đảm bảo dòng vốn bổ sung phân bổ hiệu quả, tín dụng được giải ngân vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tránh tình trạng nợ xấu gia tăng.

Đối với tỷ giá, giới chuyên môn cho rằng sẽ không biến động mạnh trong các tháng còn lại của năm 2024 do cán cân thương mại được dự báo sẽ tiếp tục thặng dư, lượng kiều hối dồi dào, dòng vốn FDI có nhiều tín hiệu lạc quan và đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu đưa ra nhiều tín hiệu về một giai đoạn nới lỏng tiền tệ. Mặc dù vậy, NHNN vẫn cần chủ động ứng biến linh hoạt chính sách, can thiệp kịp thời khi cần thiết để tránh những biến động lớn ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Mặt khác, cần tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về thay đổi chính sách, thông điệp giúp thị trường hiểu rõ định hướng, mục tiêu của NHNN trong thời gian tới, qua đó củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào chính sách của nhà điều hành.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang