Mô hình nào cho hệ thống giám sát?

Mô hình nào cho hệ thống giám sát?

Trong 1 năm qua thế giới đã có những thay đổi khá mạnh về hệ thống giám sát tài chính. Trong bối cảnh hệ thống tài chính toàn cầu vừa lớn vừa phức tạp, kinh tế Việt Nam đang rất mở, chu chuyển vốn, tài chính, các biến số vĩ mô vừa nhanh vừa khó lường, thật khó để đoán nhận đằng sau dòng vốn này là ai, tiềm lực như thế nào?

Nguồn:Thời báo ngân hàng

Môi trường càng biến động, hoạt động ngân hàng càng tiềm ẩn nhiều rủi ro

TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đặt vấn đề và cho rằng: Giám sát tài chính thế nào, đây là câu chuyện đau đầu của cả thế giới hiện nay, bởi lý do đơn giản là, ai cũng thấy vai trò huyết mạch của hệ thống tài chính và tầm quan trọng của việc giám sát thị trường này. Nhưng giám sát chặt đến mức nghẹt thở thì nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng và làm cho thị trường không có sức sáng tạo. Mà giám sát lỏng thì rủi ro cao.

Vậy giám sát ở mức nào, và kỹ thuật theo dõi giám sát ra sao là cả một vấn đề, đòi hỏi cần có ý tưởng mới, mô hình mới hiệu quả cho việc giám sát thị trường tài chính ở Việt Nam hiện nay.

Cùng với sự bất ổn kéo dài của kinh tế vĩ mô trong nước, hoạt động tài chính – ngân hàng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.

“Đáng lo ngại là một số tập đoàn tài chính đã tìm mọi cách lách luật, chọn cấu trúc phức tạp để làm cho hoạt động của họ trở nên không rõ ràng nhằm tránh sự giám sát hoặc gây hạn chế hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát Nhà nước”, TS. Trịnh Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế (Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Việt Nam) có ý kiến.

Và ông đã từng chỉ ra: Nhiều loại hình sản phẩm và dịch vụ tài chính tinh vi, phức tạp, lai căng ở các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn, được bung ra mà các cơ quan giám sát tài chính hiện hành hoặc không nhận diện được, hoặc không đủ năng lực, quyền lực để kiểm soát.

Những hiện tượng như sở hữu chéo, góp vốn ảo, “thổi phồng” tài sản nhờ các giao dịch “kỹ thuật”, sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức, tuồn vốn cho các công ty “sân sau”… và trò “ponzi” cả trong khu vực tư lẫn công có “đất” để hoành hành. Khi các thị trường tài sản đột ngột sụt giá và đóng băng, đã gây ra hệ lụy là lòng tin đổ vỡ và thị trường rơi vào trạng thái hỗn loạn rồi ngưng trệ. ..

Thế giới đã thay đổi, Việt Nam phải khẩn cấp

“Nguyên nhân trực tiếp và quan trọng của thực trạng bất ổn tài chính hiện hành là Việt Nam đang thiếu vắng hoạt động giám sát an toàn vĩ mô toàn hệ thống tài chính”, TS. Trịnh Quang Anh nhận định. Chính từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu vừa qua, thế giới đã nhận ra “lỗ hổng” lớn trong hệ thống giám sát tài chính của mình là thiếu giám sát an toàn vĩ mô.

“Lỗ hổng" này giờ đang được các quốc gia, khu vực, nhóm các nước hay các định chế tài chính - tiền tệ quốc tế tích cực lấp đầy… đặc biệt là ở Mỹ và EU. Tình hình cấp bách đến mức các nước Đông Á cũng đã phải có một hội nghị khu vực về ổn định tài chính và thống nhất việc tăng cường giám sát thị trường tài chính.

TS. Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng CIEM cho biết, việc xây dựng mô hình giám sát hợp nhất là cần thiết với Việt Nam. Theo nghiên cứu cho thấy, hiện hệ thống tài chính Việt Nam đang được giám sát bởi nhiều cơ quan: Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi, NHNN và Bộ Tài chính. Đây là mô hình phân tán như kiểu “kiểm lâm giữ từng cây” thay vì quản lý giám sát cả rừng nên việc giám sát còn lỏng lẻo, công bố thông tin thì chậm.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính - ngân hàng thị trường đang biến động rất nhanh, hệ thống giám sát tài chính phải bắt kịp sự thay đổi này, nếu giám sát phân tán thì sẽ không theo kịp, không bao quát kịp sự biến động của hệ thống tài chính. Vì vậy, Việt Nam nên tiến tới chuyển đổi sang mô hình giám sát tài chính hợp nhất trong dài hạn. Bởi quy mô hệ thống tài chính còn nhỏ nhưng nhiều tiềm năng phát triển nên sẽ phát triển nhanh.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khác. Ông Nguyễn Anh Duy (Viện Chiến lược Ngân hàng – NHNN) có quan điểm: hiệu quả của một hệ thống giám sát không chỉ phụ thuộc vào mô hình hợp nhất hay không mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng khác như năng lực cán bộ, cơ chế phân biệt chức năng và nhiệm vụ rõ ràng cho từng cơ quan.

Có thể nói, đến nay, bàn về mô hình giám sát hợp nhất, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Vì vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, muốn đổi mới mô hình giám sát thì “cần có quyết tâm chính trị”.

Thời báo ngân hàng
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang