Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ông Đặng Thế Vinh - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong 5 năm gần nhất (2019-2023), Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo kiểm toán.
Qua đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị 331.367 tỷ đồng (gồm tăng thu ngân sách nhà nước 30.539 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước 96.183 tỷ đồng; kiến nghị khác 204.644 tỷ đồng). Đáng chú ý, 663 báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Kiểm toán Nhà nước cũng đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho cơ quan cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý. Riêng trong kiểm toán lĩnh vực đầu tư, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, từ việc lập, phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư đến việc phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án; công tác thiết kế, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, quản lý tiến độ…
Đối với doanh nghiệp có trên 50% vốn Nhà nước, những bất cập chủ yếu được phát hiện gồm thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước chưa đầy đủ. Có doanh nghiệp đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra và yêu cầu khắc phục nhưng vẫn tái phạm.
Hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi của các tập đoàn, doanh nghiệp những năm qua có đóng góp không nhỏ từ Kiểm toán Nhà nước.
Thông qua các kiến nghị kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã tư vấn hoàn thiện cơ chế chính sách; kiến nghị xử lý tài chính. Đồng thời, kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các vi phạm, sai sót trong công tác quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước của các doanh nghiệp. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm, Kiểm toán Nhà nước sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho rằng, kiểm toán đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hoàn thiện chính sách và khung pháp luật. Giúp môi trường kinh doanh phù hợp với thực tế, theo hướng lành mạnh, phát triển bền vững.
Hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi của các tập đoàn, doanh nghiệp những năm qua cũng có đóng góp không nhỏ từ Kiểm toán Nhà nước.
“Kiểm toán quan trọng ở chỗ mang tính thưởng phạt, răn đe, khiến doanh nghiệp phải nỗ lực phải chuẩn chỉ. Kiểm toán đặc biệt đóng góp quan trọng vào hoàn thiện chính sách. Điều này hỗ trợ cho việc cải thiện năng lực cạnh tranh, cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, quá trình kiểm toán yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật, giống như vai trò của “cây gậy” dễ tạo ra cảm giác doanh nghiệp và kiểm toán không thực sự công bằng, bình đẳng. Doanh nghiệp lo sợ kiểm toán.
Bởi vậy, phải làm sao xây dựng được mối quan hệ giữa kiểm toán và doanh nghiệp dựa trên tinh thần của pháp luật, sự đồng hành của hai bên và cùng gắn với tuân thủ pháp luật. Bên cạnh việc yêu cầu tuân thủ, cơ quan kiểm toán nên đồng hành với doanh nghiệp trong việc kết nối, chia sẻ thông tin, giúp doanh nghiệp tuân thủ, hoàn thiện năng lực quản trị thay vì phải “lách luật”, “chạy luật”.
Đánh giá về thời gian gần đây, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị hạn chế xuất cảnh do nợ thuế, ông Thành cho rằng, đây là vấn đề khá tế nhị.
Cơ quan thuế cần minh bạch, công khai thông tin đến mức nào, vì đằng sau việc không được xuất cảnh, chủ doanh nghiệp có thể bị xã hội có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, gây hệ lụy khá tiêu cực cho doanh nghiệp. Nhiều trường hợp công khai thông tin mà hậu quả gây ra không đáng có.