TS. Võ Trí Thành. Ảnh: quochoi.vn
Hàng loạt sai sót lặp lại hoặc tiếp diễn ở doanh nghiệp khác
Năm 2022, qua kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) và công ty, KTNN chỉ rõ, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các DN còn nhiều hạn chế. Phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN) nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tổng tài sản/tổng nguồn vốn của các TĐ, TCT, công ty tăng 2.216,31 tỷ đồng, giảm 0,036 tỷ đồng; điều chỉnh tổng doanh thu, thu nhập tăng 1.297,54 tỷ đồng; tổng chi phí tăng 41,83 tỷ đồng, giảm 1.121,61 tỷ đồng. Đặc biệt, KTNN đã kiến nghị các TĐ, TCT, công ty phải tăng thu NSNN 1.411,12 tỷ đồng, giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ 8,78 tỷ đồng.
Vấn đề này vẫn tiếp diễn khi năm 2023, qua kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2022 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của 129 đơn vị thuộc 11 TĐ, TCT, KTNN tiếp tục chỉ ra phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với NSNN nên qua kiểm toán, KTNN đã điều chỉnh tổng tài sản/tổng nguồn vốn tăng 2.680,92 tỷ đồng và điều chỉnh tổng doanh thu, thu nhập tăng 756,49 tỷ đồng, giảm 100,19 tỷ đồng; tổng chi phí tăng 7,96 tỷ đồng, giảm 2.679,07 tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị tăng thu NSNN 3.486,39 tỷ đồng, giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ 6,19 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán năm 2022 cho thấy, việc quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn, nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm chưa được thu hồi… diễn ra tại nhiều DN. Theo kết quả kiểm toán, tại VIMC nợ phải thu quá hạn lên tới 268,76 tỷ đồng, tại Công ty Cổ phần (CP) Cảng Sài Gòn 164,04 tỷ đồng, Công ty CP Vận tải Biển Việt Nam 111,1 tỷ đồng. Nhiều DN khác cũng có số nợ phải thu quá hạn lên tới vài chục tỷ đồng, như: Công ty CP Cảng Hải Phòng 38,36 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông 27,02 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh Nhà TP. Hồ Chí Minh 67,29 tỷ đồng, Công ty mẹ - Vinafor 86,78 tỷ đồng, Công ty mẹ - TCT Văn hóa Sài Gòn (SCPC) 42,3 tỷ đồng.
Số nợ khó đòi tại Công ty mẹ - Vinafood1 được xác định lên tới 2.537,98 tỷ đồng và tại nhiều TĐ, TCT, số nợ khó đòi cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng, như: Công ty mẹ - Satra 430,71 tỷ đồng, TKV 279,15 tỷ đồng. Một số đơn vị phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi rất lớn như VNPT phải trích lập dự phòng 509,12 tỷ đồng; EVN phải trích lập dự phòng 367,86 tỷ đồng…
Tình trạng này vẫn diễn ra tại nhiều DN khác khi năm 2023, qua kiểm toán, KTNN vẫn phát hiện nhiều DN quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn, như: Công ty CP 715 là 8,09 tỷ đồng, Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam 3,59 tỷ đồng; ACV 4.280,08 tỷ đồng; Công ty mẹ Saigontourist 187,29 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Lữ hành Saigontourist 5,51 tỷ đồng; Mobifone 363,42 tỷ đồng (trong đó Công ty mẹ 362,19 tỷ đồng)… Một số TĐ, TCT trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định (có TĐ trích thừa tới hàng trăm tỷ đồng và có TCT trích thiếu hơn 2,7 tỷ đồng).
Sai sót của doanh nghiệp tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế
Bình luận về thực trạng trên, TS. Võ Trí Thành cho rằng, thực trạng hàng loạt sai sót của các DN đã được KTNN chỉ ra nhưng vẫn lặp đi lặp lại hoặc tiếp tục xảy ra ở những DN khác là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, thực trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hệ lụy cho nền kinh tế cũng như cho bản thân chính DN. Cụ thể, các DN có thể gặp những rủi ro về pháp lý và khi bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra thì sẽ bị xử lý, xử phạt. Khi đó, hoạt động của DN bị ảnh hưởng, kéo theo nhiều đối tượng liên quan khác như người lao động của DN, đối tác, khách hàng… cũng bị ảnh hưởng.
Đề cập đến nguyên nhân của thực trạng trên, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, có thể có 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, DN cố ý vi phạm do những yếu tố liên quan đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Nếu những sai phạm bắt nguồn từ nguyên nhân này thì các cơ quan chức năng cần có các chế tài xử lý “mạnh tay” hơn, quyết liệt hơn để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này.
Thứ hai, cần phải xem xét, đánh giá nguyên nhân liệu có phải do chính sách, quy định pháp luật thiếu tính thực tiễn, không khả thi hay không, bởi trên thực tế cũng có tình trạng DN phản ánh phải lựa chọn giữa việc thực hiện sai quy định pháp luật để tồn tại hoặc nếu thực hiện đúng như quy định pháp luật thì đồng nghĩa DN sẽ “đứng im”. Trong trường hợp này, việc xem xét, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật là yêu cầu rất quan trọng - TS. Võ Trí Thành lưu ý.
Theo TS. Võ Trí Thành, thực tế cũng cho thấy, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã thực hiện rất tốt vai trò phát hiện những “lỗ hổng”, vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách, từ đó đưa ra những kiến nghị để “bịt” những “lỗ hổng” này, nhằm góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, an toàn cho DN hoạt động, phát triển.
Cùng với đó, từ những sai phạm của các DN được KTNN chỉ ra sẽ giúp DN tự “soi” lại thực trạng tuân thủ quy định pháp luật cũng như hiệu quả hoạt động của mình, để phát huy những mặt tích cực đã làm được và khắc phục những tồn tại, hạn chế, từ đó đạt được sự phát triển bền vững. Không chỉ giúp ích cho chính các DN được kiểm toán, chuyên gia Võ Trí Thành cũng cho rằng, khi các DN khác nhìn vào những sai phạm của các DN được KTNN chỉ ra cũng sẽ tự đúc rút được cho mình những kinh nghiệm, bài học để thực hiện tuân thủ quy định pháp luật tốt hơn, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị.