
|
Thương mại điện tử là giải pháp mở ra nhiều cơ hội cho ngành bán lẻ tại Việt Nam. Ảnh: NG.NAM |
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 573,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,0%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,6% (cùng kỳ năm 2024 tăng 5,6%). Nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch đã góp phần tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ.
Chưa như kỳ vọng
Thường xuyên đi siêu thị, chị Bùi Phương Thanh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, dù thu nhập của cả hai vợ chồng năm nay đã tốt hơn năm trước, nhưng vẫn chưa bằng thời điểm trước dịch, trong khi giá cả vẫn có xu hướng tăng. Vì vậy, gia đình chị chỉ mua sắm các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là những mặt hàng siêu thị giảm sâu và có quà tặng kèm theo.
Còn theo chị Phan Thanh Chi (quận Ba Đình, Hà Nội), thay vì đi du lịch như các năm trước, sau Tết gia đình chị quyết định ở nhà để tiết kiệm chi tiêu. “Ngay cả trong dịp Tết vừa qua, gia đình tôi cũng chỉ mua các mặt hàng nhu yếu phẩm và chỉ mua trong ba ngày Tết chứ không dự trữ nhiều”.
Về phía các nhà bán lẻ, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Siêu thị GO! Thăng Long cho biết, sức mua của người dân vẫn duy trì đà tăng trưởng song ở mức thấp. Đáng chú ý, cơ cấu giỏ hàng tập trung vào các sản phẩm tươi sống, rau củ quả, thịt cá và các sản phẩm thiết yếu khác như sữa, trứng và các loại đồ khô... Còn đối với các mặt hàng gia dụng, điện máy, thời trang có xu hướng giảm hơn so với cùng kỳ. Đây là xu hướng tất yếu của người dân khi thắt chặt chi tiêu.
Theo báo cáo Chiến lược đầu tư do Công ty CP Chứng khoán VNDirect phát hành tháng 1/2025, các xu hướng kinh tế vĩ mô tạo nền tảng cho sự gia tăng trong chi tiêu tiêu dùng, tuy nhiên tâm lý người tiêu dùng vẫn còn thận trọng. Nguyên nhân là do sự phục hồi hạn chế trong thu nhập của người tiêu dùng sau đại dịch dẫn đến nhu cầu tiêu dùng phục hồi chậm trong năm 2024.
Trong khi đó, chỉ số việc làm trong ngành công nghiệp giảm tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 12/2024 đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các doanh nghiệp tiêu dùng và bán lẻ ghi nhận kết quả tích cực chủ yếu nhờ mức nền thấp của năm 2023.
Sẽ phục hồi dần
Tuy nhiên, các nhà phân tích từ VNDirect cũng chỉ ra một số chỉ số tích cực đã thấy rõ như niềm tin tiêu dùng cải thiện và khả năng tiết kiệm tăng, tạo nền tảng cho nhu cầu tiêu dùng phục hồi rõ ràng hơn vào năm 2025. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành sẽ tăng khoảng 10 - 10,5% vào năm 2025 (cao hơn con số 9% của năm 2024) nhờ thị trường việc làm phục hồi và thu nhập thực tế được cải thiện do tăng trưởng kinh tế mở rộng, xu hướng lạm phát hạ nhiệt và kỳ vọng đầu tư công thực hiện tăng tốc trong năm 2025 giúp cải thiện nhu cầu trong nước.
VNDirect dự báo chi tiêu tiêu dùng sẽ phục hồi dần trong 6 tháng đầu năm 2025, do lo ngại việc tinh gọn bộ máy có thể tạm thời ảnh hưởng đến thu nhập hộ gia đình. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2025 khi thị trường lao động khởi sắc.
Để thúc đẩy tiêu dùng, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách tài khóa, thuế phí và chính sách tiền tệ như chính sách tín dụng và giảm lãi suất. “Điều quan trọng hơn là tạo dựng lại niềm tin thị trường nhờ phục hồi kinh tế tổng thể, bên cạnh giải quyết vấn đề tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô để người tiêu dùng thấy phía trước là sáng sủa thì họ sẵn lòng chi tiêu nhiều hơn”.
Ngoài kênh bán trực tiếp, thương mại điện tử cũng là giải pháp được nhiều chuyên gia khuyến nghị. Bà Vũ Thị Hiền, Giám đốc Khối Tài chính số, Công ty CP Công nghệ Sapo cho rằng, dù 2025 vẫn một năm đầy thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành bán lẻ tại Việt Nam.
59% nhà bán hàng rất lạc quan về tình hình kinh doanh năm 2025 với đông đảo nhà bán hàng muốn mở rộng kinh doanh thay vì tiết kiệm chi phí; có 46% muốn mở thêm kênh bán, 45,8% dự định sẽ đa dạng mặt hàng và 30,8% muốn mở rộng quy mô, thêm chi nhánh, nhân viên. Đặc biệt, mở rộng kênh bán hàng là chiến lược trọng tâm của 2025, bao gồm mạng xã hội (28%), sàn TMĐT (23%) và TikTok Shop (21%).
Về phía Bộ Công thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sẽ tập trung triển khai công tác xây dựng thể chế, chính sách, đây là một trong ba đột phá chiến lược, cụ thể. Đặc biệt là quán triệt sâu sắc các thể chế hóa và triển khai đồng bộ, có tính khả thi, tạo động lực phát triển kinh tế. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa để khai thác hiệu quả thị trường trong nước; mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng về quốc gia.