Không dừng lại ở 100 nghìn, số cán bộ chịu ảnh hưởng từ sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này có thể cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp nhiều lần, khi thực hiện sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện và tiếp tục sắp xếp cấp xã.
Hơn 10 vạn lao động từ khu vực nhà nước sẽ hòa nhập thế nào với môi trường tư nhân? Kỹ năng, kinh nghiệm liệu có là ưu thế? Thách thức nào cho viên chức dôi dư khi tìm việc bên ngoài, nhất là với những người không còn trẻ để bắt đầu?
Nhiều người chưa biết mình liệu có dôi dư
Chị Nguyễn Thị M. đang là công chức của một tổ chức chính trị ở thành phố Hải Dương những ngày nay đang có nhiều tâm tư về công việc sắp tới; "Với người ở độ tuổi U40 như mình thì cũng lo lắng, lo lắng sau khi sáp nhập thì công việc của mình sẽ được sắp xếp như thế nào; nếu đi làm xa hơn với quãng đường xa hơn rất nhiều thì sức khỏe có đủ đáp ứng để đảm bảo yêu cầu công việc và trách nhiệm với gia đình, con cái".
Số lượng biên chế cán bộ, công chức không phải lãnh đạo sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy được căn cứ theo Công văn 7968/BNV-CCVC. Ảnh minh họa: Báo Lao Động
Một cán bộ của UBND huyện Hoài Đức, Hà Nội chia sẻ, trước thông tin sắp xếp cấp huyện, xã, nhiều người đã xác định cơ hội mình được giữ lại làm việc như trước đây là rất thấp, nhiều người quen làm bàn giấy lâu năm cũng lo lắng nếu phải bắt nhịp lại với thị trường lao động hiện nay.
Một viên chức khác tại Hà Nội cũng bày tỏ nỗi lo chưa biết tìm việc mới ra sao, nếu thực sự bị tinh giản khi đã gần 40 tuổi. Anh sẽ gặp khó để chuyển đổi nghề nghiệp và có thể cạnh tranh với lớp lao động trẻ hiện tại: "Đang bối rối vì thực tế không biết là ai sẽ ở lại, ai sẽ tinh giản. Nếu tinh giản xong thì sắp xếp công việc mới liệu nó có phù hợp với năng lực chuyên môn từng người không hay phải bắt đầu lĩnh vực mới thế nào"
Từng làm việc tại đơn vị đã giải thể là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chị H.N chia sẻ, nhiều người còn tới 10-15 năm mới được về hưu, trong khi tuổi đời không còn trẻ nên gặp những thách thức khi bắt đầu công việc mới. Nhưng chị và nhiều đồng nhiệp đã chuẩn bị tâm lý đón nhận: "Là viên chức bị sáp nhập, chưa đến tuổi nghỉ nên bản thân mong muốn được bố trí công việc ở cơ quan mới. Tôi cũng hiểu, để tổ chức tinh gọn bộ máy, việc bố trí sử dụng cán bộ, người lao động sẽ theo phương châm có vào, có ra, có lên, có xuống nên cũng chuẩn bị tâm lý thoải mái đón nhận và chủ động các phương án công việc trong thời gian tới rồi"
Ông Vũ Thanh Xuyên, một công chức từng làm việc tại Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhấn mạnh sự sẵn sàng của bản thân: "Việc gì có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình, có ích cho xã hội thì đều tốt, dù là việc lớn hay việc nhỏ. Mỗi người đóng góp một chút thì kinh tế sẽ phát triển, thu nhập của chúng ta sẽ cao hơn và cuộc sống cũng sẽ tốt hơn"
Một số người lao động thuộc diện dôi dư cũng đặt mục tiêu sau khi rời nhà nước sẽ làm quen với thị trường lao động, thu nhập trước mắt chỉ cần đủ để nuôi gia đình. Họ sẵn sàng làm nhân viên thời vụ hoặc thử việc để chứng minh năng lực. Trong khi đó, các địa phương cũng đang chuẩn bị để kết nối việc làm, hỗ trợ đào tạo lại, giúp họ chuyển đổi kỹ năng phù hợp với yêu cầu thị trường lao động ngoài nhà nước.
Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, đơn vị đã sẵn sàng: "Chúng tôi đã và đang triển khai các hoạt động thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu, thu nhập nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để đáp ứng được người lao động nói chung và lực lượng cán bộ công chức, viên chức mà nghỉ việc do sắp xếp bộ máy để hỗ trợ kịp thời cho họ. Chúng tôi chủ động làm việc với các doanh nghiệp để nắm bắt từng vị trí việc làm để có những tư vấn kịp thời với nhóm lao động bị nghỉ việc"
Tự “bơi” hay chờ “tiếp sức”?
Các chuyên gia lao động, việc làm có nhận định chung rằng, thị trường lao động Việt Nam có quy mô đủ lớn để hấp thụ số nhân lực nhà nước dôi dư nhưng rất cần có kế hoạch, chính sách phù hợp để điều tiết thị trường hiệu quả.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Hà Nội, để hàng trăm nghìn nhân sự rời khu vực nhà nước thích nghi với môi trường tư, rất cần "bàn tay" điều tiết của nhà nước: "Cần có các giải pháp đồng bộ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Trước hết cần xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu lao động quốc gia nhằm kết nối thông tin giữa người lao động bị dôi dư và các doanh nghiệp có nhu cầu hoặc các tổ chức ở khu vực tư nhân. Hệ thống này không chỉ giúp người lao động dễ dàng tìm việc mới mà còn giúp các tổ chức, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh, các doanh nghiệp khởi nghiệp nhanh chóng tiếp cận được nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng phù hợp"
Ảnh minh họa Xaydungchinhsach.chinhphu.vn
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, khu vực kinh tế tư nhân sẽ có vai trò quan trọng để thu hút nguồn lao động dôi dư, mở ra nhiều cơ hội mới cho người lao động. Do đó, Nhà nước cần có các giải pháp để phát triển thị trường lao động từ khối doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh: "Kinh tế phát triển sôi động, thị trường sẽ có những chọn lọc, khi đó dựa vào sự phát triển của kinh tế thị trường nên việc thúc đẩy kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế là giải pháp tổng thể quan trọng. Chúng ta cần tăng tốc phát triển kinh tế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng để hấp thụ lao động dôi dư".
Để thị trường lao động vận hành hiệu quả, tận dụng tối đa nguồn nhân lực mới, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, cần đánh giá, phân tách nhóm nghỉ việc ra nhiều thành phần gồm: Tới tuổi hưu và không còn nhu cầu làm việc; còn trẻ tiếp tục làm thuê cho doanh nghiệp và khởi nghiệp làm chủ. Tùy vào nhu cầu của mỗi thành phần mà nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ khác nhau:
"Chính phủ có thể thực hiện cải cách môi trường kinh doanh để các công chức, viên chức có thể khởi nghiệp một cách mạnh mẽ, các chương trình hỗ trợ, đào tạo họ về tinh thần khởi nghiệp, lập kế hoạch kinh doanh, các kỹ năng quản lý tài chính, có thể định hướng họ khởi nghiệp để hàng trăm ngàn người có thể cân nhắc các giải pháp tự mình tạo ra việc làm cho chính mình".
Bà Ngô Thị Bích Quyên, Phó Chủ tịch BNI Việt Nam, chuyên gia về quản trị nguồn nhân lực khẳng định, nhiều ngành nghề ngoài thị trường đang rất thiếu lao động. Điều quan trọng đến từ bản thân người tinh giản phải có những kỹ năng mới để thích ứng với thị trường, với sự thay đổi:
"Cơ hội hiện nay rất nhiều, chỉ là người lao động phải chủ động nắm bắt cơ hội. Nhiều lĩnh vực anh chị có thể suy nghĩ như chuyển đổi số, hành chính số... thì lĩnh vực công làm rất tốt. Đây là những mảng doanh nghiệp bây giờ mới triển khai, những người có kinh nghiệm thì hoàn toàn có thể tư vấn, chuyên gia vận hành cho các doanh nghiệp. Các anh chị có thể trở thành giảng viên, mentor, doanh nghiệp có thể cho mình làm độc lập, hợp tác với cùng lúc nhiều doanh nghiệp".