1. Zara và những con số
Từ trước khi cửa hàng đầu tiên của thương hiệu này được mở tại Việt Nam, người tiêu dùng Việt đã có thời gian biết tới và quen mặt với sản phẩm của hãng này. Nhưng vì sao không lạ lẫm mà Zara vẫn được chào đón như thể lần đầu tiên xuất hiện như vậy? Câu trả lời nằm chính ở cái “tiện”. Thay vì ngồi nhà xem giá và size trên web rồi order và đợi hàng về thì giờ đây các tín đồ mua sắm được tha hồ lựa chọn mặt hàng và thử với sản phẩm thật tận tay tận mắt. Những chuyện như nhầm size, to quá, bé quá…đã không còn là mối lo.
Chẳng biết các nhà kinh doanh của Zara có dự tính trước được sự thành công quá lớn này không. Thế nhưng sự có mặt của Zara là sự đe dọa đáng gờm với các hãng thời trang trong nước. Bây giờ mua quần áo người ta nghĩ ngay tới Zara vì ra đó là cả “thiên đường”, dường như muốn tìm mua cái gì thì cửa hàng này cũng đều có cả. Thiết kế đơn giản mà vẫn đảm bảo tính thời trang, các sản phẩm đi theo xu hướng nhanh nhạy mà giá cả lại vừa túi tiền với phần đa người tiêu dùng… Chừng đó lí do đã giúp Zara dù mới tồn tại 3 tháng nhưng nhanh chóng “xưng vương” trên thị trường tiêu dùng Việt.
Cơn “chấn động” Zara trở thành đề tài bàn tán của mọi người từ các tầng lớp và độ tuổi khác nhau. Người mê thì rất mê mà ai chưa biết thì đâm ra tò mò. Tựu chung lại, Zara đã đánh trúng tâm lí người Việt vì cho tới thời điểm hiện tại thì vẫn chưa thấy ai phàn nàn gì về đồ cũng như cung cách phục vụ nơi đây.
2. Sự “nhăm nhe” của những thương hiệu bình dân
Người Việt chẳng phải lần đầu tiếp cận với thương hiệu bình dân quốc tế. Trước Zara, những cửa hàng Topshop, Topman, Mango, GAP…mọc lên lần lượt ở cả 2 trung tâm lớn: Thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội. Thế nhưng để nói về doanh thu thì chưa một thương hiệu nào có thể sánh ngang tầm với Zara. Lí do vì sao? Dù nhiều cửa hàng thật, nhưng một phần chất liệu của các thiết kế những hãng này không tốt bằng Zara mà giá lại xấp xỉ, tất nhiên người ta sẽ tự có câu trả lời cho mình khi lựa chọn nơi “rút ví”. Lúc chưa có Zara đã kinh doanh kiểu “tà tà” rồi, giờ thì những thương hiệu kể trên còn được một phen sốt vó nữa khi phải đụng mặt với đối thủ cạnh tranh quá đáng gờm.
Sau thành công “khủng” của Zara, dám cá rằng khá nhiều thương hiệu bình dân khác đang lăm le tiến vào thị trường Việt Nam trong năm 2017 tới. Điển hình nhất chính là đối thủ ngang tầm của Zara - H&M sẽ khai trương cửa hàng đầu tiên tại Vincom Thảo Điền, TPHCM. Mới úp mở thông tin nhưng các tín đồ mua sắm đã vô cùng háo hức với sự có mặt của H&M. So với Zara, H&M tập trung vào những sản phẩm mang tính khỏe khoắn, năng động, áp dụng nhiều trong cuộc sống thường ngày. Chỉ có điều đáng lo ngại nhất là cửa hàng H&M không nằm ở vị trí đắc địa như Zara nên lượng người tới mua hàng có thể sẽ không “đông khủng khiếp” như những gì mà người bạn Zara đã làm được.
3. Liệu “hiệu ứng Zara” có còn được tiếp diễn?
Sau ngày khai trương đầy rầm rộ, những người ghen tỵ sẽ nói rằng chắc người ta tới Zara cho biết, rồi dần dà về sau cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh như Topshop, Mango…đang gặp. Nhưng không, cửa hàng Zara trên con phố Lê Thánh Tôn kể từ sau ngày mở cửa ấy vẫn đang lần lượt đón khách mua sắm với số lượng đông đảo. Cách bài trí sản phẩm thông minh là một trong những yếu tố thu hút của hãng này. Dù là dân Sài Gòn, nhưng cứ vài ngày chạy qua Zara ngắm nghía là đã thấy một sự đổi mới khác, nhiều khi chỉ là chuyển từ chỗ này sang chỗ kia mà cảm tưởng như cả một đợt hàng mới về. Đó là còn chưa kể tới điều quan trọng nhất: Zara Việt Nam có giá bán ra rẻ gần nhất, hơn cả các nước lân cận như Thái Lan, Singapore…
Chưa đầy nửa năm mở cửa, Zara đã “càn quét” kinh hoàng tới vậy. Không nói đâu xa, ngay đợt sale vừa rồi, người tiêu dùng Việt lần đầu trải nghiệm cách mua sắm với sự giảm giá tất cả các sản phẩm có trong cửa hàng - điều chưa từng xảy ra ở các thương hiệu khác. Câu hỏi đặt ra là liệu số lượng tiêu thụ hàng hóa của thương hiệu này có mãi giữ được đỉnh cao? Không biết tương lai ra sao nhưng tính tới giờ này, Zara vẫn đang thành công nhất!
4. Việt Nam sẽ trở thành miền đất hứa cho các thương hiệu bình dân?
Sự tràn vào của các thương hiệu bình dân như Zara được coi là tín hiệu tốt cho thị trường Việt. Điều đó chứng tỏ thu nhập của người Việt đã dần cao lên mới có khả năng chi trả cho những món đồ như vậy. Hơn thế nữa, một nước nhỏ như Việt Nam cũng dần khẳng định được vị trí trên thế giới. Không chỉ là đất nước thuần nông nghiệp gắn bó với cây lúa củ khoai nữa, Việt Nam nhỏ bé giờ đã là miền đất hứa cho các thương hiệu thời trang thế giới.
Theo Saostar
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI