Doanh nghiệp tập trung cho sở hữu trí tuệ của sản phẩm
Doanh nghiệp tập trung cho sở hữu trí tuệ của sản phẩm
Với các doanh nghiệp (DN), sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình sản xuất ra là yếu tố rất quan trọng để phát triển bền vững.
Với các doanh nghiệp (DN), sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình sản xuất ra là yếu tố rất quan trọng để phát triển bền vững.
Đối với đa phần các doanh nghiệp hiện nay, thực thi sở hữu trí tuệ mới dừng lại ở bao bì nhãn mác sản phẩm. Ảnh minh họa: V.GIA
Hiện nay, đa số DN quy mô nhỏ và vừa chỉ mới tập trung vào bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp như bao bì sản phẩm, logo, thương hiệu. Về lâu dài, các DN cần phải thay đổi nhận thực về điều này và nhà nước cũng cần có các chính sách để hỗ trợ một cách thiết thực hơn.
Doanh nghiệp mới bắt đầu ở bao bì, nhãn mác
Ông Đặng Thái Sơn, Giám đốc Công ty CP Nệm Đồng Nai (thành phố Biên Hòa), chia sẻ DN luôn chủ động theo dõi thị hiếu người tiêu dùng để phát triển các mẫu mã sản phẩm mới. Thời gian qua, công ty đã cho ra nhiều sản phẩm trung, cận cao cấp như: nệm bông ép, nệm cao su, gối lông vũ, nệm gấp hay các sản phẩm gối bảo vệ sức khỏe...
“Chúng tôi xác định việc tập trung cho chất lượng sản phẩm cũng như các kiểu dáng, mẫu mã phù hợp hơn với thị hiếu khách hàng, nhất là những khách hàng trẻ, bên cạnh đó là những sản phẩm hữu ích, tiện lợi trong cuộc sống hiện đại” - ông Sơn cho hay.
Hầu hết các DN mới chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, lập kế hoạch marketing, bán hàng mà chưa chú trọng vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo vệ ý tưởng, bảo hộ thương hiệu vốn là quyền pháp lý rất quan trọng của DN khởi nghiệp.
Tương tự, Cà phê mộc Mr Công là thương hiệu mới gia nhập thị trường cà phê khoảng 2 năm nay. Ông Lê Thành Công, chủ cơ sở này, chia sẻ thị trường cà phê hiện rất đa dạng về đơn vị cung ứng cũng như giá cả. Tuy nhiên thương hiệu của ông đang tìm thị trường ngách cho mình, bên cạnh sản phẩm truyền thống là cà phê rang xay thì Mr Công cũng nghiên cứu để cho ra các loại cà phê khác nhau với gu đậm, nhạt, cà phê dành cho người giảm cân, người tập luyện thể dục thể thao... Thương hiệu cà phê mới mẻ này cũng đã cố gắng để thực hiện các nhiệm vụ nhằm đảm bảo quyền sở hữu về kiểu dáng công nghiệp, nhãn mác bao bì của mình, coi đây là yếu tố quan trọng khi gia nhập thị trường.
Tuy DN đã có những nỗ lực song nhìn chung, việc quan tâm đến sở hữu trí tuệ mới chủ yếu ở khâu thiết kế bao bì, nhãn mác, kiểu dáng. PGS-TS Từ Diệp Công Thành, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (IPTC), thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định sở hữu trí tuệ rất quan trọng đối với các DN, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập kinh tế thế giới mạnh mẽ. Những hạn chế này cần phải thay đổi theo hướng chú trọng hơn đến các yếu tố công nghệ, sản phẩm mang hàm lượng trí tuệ, sáng tạo cao mới nâng tầm được thương hiệu.
Triển khai các giải pháp hỗ trợ
Về phía DN, vấn đề mà họ gặp phải là việc thực hiện quyền bảo hộ trí tuệ thông qua việc đăng ký các sản phẩm của mình. Đơn cử như sản phẩm đèn bắt muỗi Mosla của ông Nguyễn Văn Khỏe, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Nhiệt Mặt Trời (thành phố Biên Hòa), cũng phải gian nan cả 5 năm trời mới đăng ký được. Theo ông Khỏe, từ kết quả thực nghiệm tốt nên ông mạnh dạn nộp sản phẩm, bản thuyết trình xin đăng ký bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Tuy nhiên, thời gian xét duyệt đơn rất lâu. Phải sau 5 năm từ khi gửi hồ sơ, sản phẩm của ông Khỏe mới được công nhận bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Vì thế, việc đầu tư của DN để sản xuất hàng loạt sản phẩm bị chậm lại.
Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng tại Công ty CP Nệm Đồng Nai (thành phố Biên Hòa). |
Theo PGS-TS Từ Diệp Công Thành, khi DN tạo ra công nghệ, sản phẩm mới, giải pháp mới mà không đăng ký và bảo hộ ngay thì vô tình có thể đánh mất và vướng các thủ tục pháp lý rắc rối về sau. Hiện số lượng đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ của DN đang dần tăng lên và IPTC là đơn vị tư vấn, hỗ trợ sẽ nỗ lực để kết nối với các địa phương, trong đó có Đồng Nai nhằm triển khai những giải pháp hỗ trợ DN.
Đối với Đồng Nai, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Đồng Nai đến năm 2030. Một số nội dung quan trọng như tối thiểu 60% sản phẩm được công nhận là sản phẩm dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh, sản phẩm gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ. Hàng năm hỗ trợ tạo lập và đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa và giống cây trồng mới cho ít nhất 30 đơn vị. Phấn đấu số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các DN trên địa bàn tỉnh tăng trung bình 8- 10%/năm…
Theo ông Giang Vũ Văn, Phó phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và công nghệ, các DN cần mạnh dạn hơn trong việc đề xuất giải pháp thực hiện, đăng ký bảo hộ các sản phẩm mới do mình nghiên cứu. Sở sẽ đồng hành và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo, kết nối, hỗ DN thụ hưởng tốt hơn những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI