Gia tăng ca bệnh về hô hấp và da liễu do thời tiết

Gia tăng ca bệnh về hô hấp và da liễu do thời tiết

Miền Bắc đón đợt không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ giảm gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ hô hấp của người cao tuổi và trẻ nhỏ.

Nguồn:Báo Dân Sinh

Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm của mùa đông miền Bắc cũng là nguyên nhân khiến số người mắc bệnh về đường hô hấp và da liễu phải nhập viện gia tăng.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh nhất ở thời điểm hiện nay,

Người già, trẻ nhỏ dễ mắc bệnh

Theo các bác sĩ, bệnh hô hấp thường xảy ra quanh năm nhưng tần suất mắc nhiều nhất là vào thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường, khí hậu nồm ẩm thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển, dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi...

Bên cạnh đó, thời gian này cũng là mùa lễ hội, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; thường xuyên xảy ra việc tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Thời điểm này, nhiều bệnh viện ghi nhận gia tăng các ca bệnh hô hấp, đặc biệt là những đối tượng có sức đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ, người có bệnh lý nền... 

Tại Bệnh viện Lão khoa trung ương tuần qua, nhiều người cao tuổi đến thăm khám do mắc các bệnh hô hấp, tim mạch. Theo các bác sĩ, thời tiết trở lạnh khiến nhiều người cao tuổi phải nhập viện điều trị.

Trong đó, một số bệnh mùa đông mà người cao tuổi thường mắc như: Xương khớp, hô hấp, tai mũi họng (viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi) hay nghiêm trọng hơn là những cơn đột quỵ tim, đột quỵ não...

Triệu chứng bệnh của người cao tuổi không xuất hiện điển hình, rầm rộ như người trẻ nên nhiều người còn chủ quan vì vậy người cao tuổi cần cẩn trọng lắng nghe cơ thể. 

Tại Bệnh viện Nhi trung ương cũng như khoa nhi các bệnh viện đa khoa như: Xanh Pôn, Thanh Nhàn, đa khoa Hà Đông, đa khoa Đống Đa (Hà Nội)... số  trẻ nhỏ phải đến khám các bệnh về đường hô hấp cũng tăng cao với các triệu chứng phổ biến là ho, sốt, chảy nước mũi...

Theo bác sĩ, TS Đỗ Thiện Hải (Bệnh viện Nhi trung ương), viêm đường hô hấp là nhiễm trùng của đường thở từ tai, mũi, họng cho đến các đường dẫn khí khác như thanh quản, khí quản, phế quản...

Viêm đường hô hấp trên gồm viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm họng, thanh quản... và viêm đường hô hấp dưới gồm viêm khí quản, viêm phế quản, viêm phế quản phổi...

Các biểu hiện lâm sàng của viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em thường bắt đầu với các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, thở nhanh, cánh mũi phập phồng, nặng hơn nữa là nhìn thấy lồng ngực bị rút lõm trong khi thở vào, thở rít, tím tái. Nếu không được xử trí kịp thời, trẻ có thể hôn mê, co giật... hoặc thậm chí tử vong.

Thời tiết nồm ẩm cũng là nguyên nhân khiến các bệnh về da liễu gia tăng. Theo các bác sĩ, so với các mùa khác, mùa nồm ẩm do đặc trưng liên quan đến phát triển nấm, vi khuẩn, vi rút ký sinh trùng, các tác nhân trong không khí gây tình trạng dị ứng. Do vậy, các bệnh nhiễm khuẩn, dị ứng, mụn trứng cá tăng rõ rệt…

Bác sĩ Nguyễn Thị Hà Vinh (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, gần đây, bệnh viện ghi nhận nhiều bệnh nhân nấm da hay còn gọi là hắc lào, lang ben… Ngoài ra, các bệnh liên quan đến dị ứng, viêm da dị ứng do phấn hoa, kích ứng do côn trùng… cũng tăng lên theo thời tiết nồm ẩm. Ước lượng số bệnh nhân đến viện do những bệnh lý này tăng gấp rưỡi đến gấp đôi so với thông thường.

Với người mắc viêm da cơ địa, thời tiết nồm ẩm khiến bệnh nặng hơn. Nhất là ở trẻ nhỏ chạy nhảy nhiều, ra mồ hôi ở các nếp kẽ, ẩm ướt làm tình trạng viêm da nặng hoặc bội nhiễm thêm vi khuẩn, vi rút khác. "Chúng tôi đã gặp trường hợp viêm da cơ địa kèm thêm nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút khác nên tình trạng nặng, điều trị lâu dài…", bác sĩ Vinh cho biết. 

Chủ động phòng bệnh

Theo các chuyên gia y tế, giai đoạn mùa đông - xuân với nền nhiệt trong ngày thay đổi thất thường và độ ẩm cao sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh.

Thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn và nấm mốc có thể sinh sôi, gây nên nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt với trẻ nhỏ; trong đó cần lưu ý các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây nhiễm trong thời tiết này như thủy đậu, sốt vi rút, bệnh sởi...

Bệnh tiêu chảy cấp cũng dễ mắc trong thời tiết nồm ẩm, giao mùa. Nguyên nhân chủ yếu là do nhóm vi rút đường ruột như Rota, các loại vi khuẩn, vi nấm hay ký sinh trùng. Bệnh có tính lây nhiễm cao và thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nếu không có các biện pháp chữa trị kịp thời, trẻ dễ bị mất nước và dẫn tới tử vong.

Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, thời tiết hiện nay thuận lợi cho việc lưu hành một số bệnh truyền nhiễm khác như sởi, sốt xuất huyết. Ngoài ra, một số bệnh khác có nguy cơ lây nhiễm rất cao như cúm, ho gà ở trẻ nhỏ, viêm màng não do vi rút...

Để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm cho trẻ, cần đảm bảo tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo và đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ để có hệ miễn dịch phòng bệnh tốt; vệ sinh môi trường sống của trẻ như trong lớp học, gia đình. Đặc biệt, người lớn khi ra ngoài cần lưu ý tránh tiếp xúc với người mắc bệnh vì có thể mang mầm bệnh về cho trẻ.

Với người cao tuổi, các bác sĩ bệnh viện lão khoa khuyến cáo cần tuân thủ dùng thuốc và tái khám định kỳ. Nên tiêm vaccine cúm, phế cầu hàng năm, đặc biệt là người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền như phổi mạn tính, tim mạch, đái tháo đường để giảm nguy cơ mắc bệnh do chủng loại này gây ra.

Bên cạnh đó, người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, tay, chân; sử dụng chăn ấm khi ngủ, tránh để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh; thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung những thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và protein giúp tăng cường sức đề kháng; duy trì tập luyện thể dục thường xuyên.

Báo Dân Sinh
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang