Theo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương, thời gian qua, cơ quan này thường xuyên nhận phản ánh của các đơn vị sở hữu thương hiệu lớn về tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee, TikTok…
Cụ thể, thông tin trước báo chí, đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, những năm gần đây, các khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử gia tăng liên tục. Một số hành vi bị phản ánh, khiếu nại thường xuyên vẫn là chất lượng kém so với quảng cáo hay khó kiểm định chất lượng hàng hóa. Các vấn đề người tiêu dùng gặp nhiều trở ngại khi mua sắm trực tuyến gồm chất lượng kém so với quảng cáo (42%), vận chuyển và giao nhận kém (25%), dịch vụ chăm sóc khách hàng kém (22%).
Để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ không có kho hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt mua online. Đáng nói, hình thức livestream bán hàng nở rộ khiến nhiều mặt hàng làm giả, nhập lậu, kém chất lượng còn được chào bán trực tiếp bởi những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng.
Hàng giả, hàng nhái thương hiệu vẫn bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Chụp màn hình
“Thời gian qua, thương hiệu kẹo rau Kera được một số người nổi tiếng như hoa hậu Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục quảng cáo "1 viên kẹo bằng một đĩa rau" đã bị dư luận phản ứng vì quảng cáo sai sự thật là ví dụ về hiện tượng này”, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho hay.
Tương tự, ông Chu Xuân Kiên, Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội cũng cho biết: “Hiện các giao dịch, thanh toán trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội đều chớp nhoáng và vô hình. Trong khi việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đòi hỏi phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể.
Trong khi các giao dịch, thanh toán trên mạng đều có thể bị hủy, xóa dấu vết rất nhanh, trong khi thẩm quyền của lực lượng Quản lý thị trường không thể đề xuất lấy các sao kê ngân hàng để theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng mà phải thông qua cơ quan Công an. Các đối tượng kinh doanh hàng hóa vi phạm thường có quy mô nhỏ lẻ nên rất khó phát hiện, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm”.
Thực tế cho thấy, mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử nhưng, trong quá trình kiểm tra cũng gặp không ít khó khăn.
Theo thống kê của lực lượng Quản lý thị trường, năm 2024 riêng lĩnh vực thương mại điện tử, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý trên 3.400 vụ, trong đó, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 1.256 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 1,9 triệu USD, trị giá hàng hóa tịch thu, xử lý khoảng gần 2 triệu USD.