Cùng với sự lớn mạnh của hệ thống SHTT, hoạt động tuyên truyền về SHTT cũng ngày một đa dạng về nội dung, hiện đại về hình thức, gia tăng số lượng và chất lượng. Cách thức tuyên truyền phù hợp với các nhóm đối tượng tiếp nhận thông tin và nhu cầu dưới các hình thức hội thảo, hội nghị, tọa đàm, cuộc thi, các lớp tập huấn... theo phương thức trực tiếp và trực tuyến. Theo ông Lê Xuân Tâm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, là cơ quan chủ trì về quản lý, phát triển hoạt động SHTT, giai đoạn 2023-2025, Sở phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 17 lớp tập huấn trang bị kiến thức về SHTT, phổ biến các quy định của Nghị định số 65/NĐ-CP, Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN và các văn bản có liên quan cho doanh nghiệp, HTX, các tổ chức, cá nhân kinh doanh với 1.758 lượt người tham dự; biên tập và phát sóng 36 số của chuyên mục “SHTT và cuộc sống” trên truyền hình và các nền tảng trực tuyến. Qua đó, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về SHTT, nhận thức rõ quyền lợi và trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong hoạt động bảo hộ quyền SHTT, chú trọng đầu tư, cải tiến quy trình sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu.

Nông dân Lương Tài được phổ biến kiến thức về xây dựng và bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm cà rốt.
Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền về SHTT nhận được sự hưởng ứng của các sở, ngành, địa phương. Sở Công Thương tổ chức 4 hoạt động tuyên truyền thông qua các sự kiện Hưởng ứng tuần lễ Thương hiệu quốc gia; quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và SHTT CIPTEK tổ chức 2 hội nghị giới thiệu về hệ thống pháp luật bảo hộ quyền SHTT, cách thức bảo vệ, quản lý, khai thác quyền SHTT đối với các sản phẩm đặc sản truyền thống... cho 200 nông dân trên địa bàn tỉnh. UBND thành phố Bắc Ninh tập huấn về Quyền của người tiêu dùng và SHTT cho 305 người là quản lý các siêu thị, cửa hàng tiện ích và tiểu thương kinh doanh tại các chợ; thực hiện 65 lớp tập huấn các chính sách pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, định hướng xây dựng nhãn hiệu sản phẩm OCOP, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống với hơn 6.000 lượt hộ nông dân tham gia... Nhờ sự vào cuộc tích cực đó, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhận thức rõ quyền lợi và trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong hoạt động bảo hộ quyền SHTT, đấu tranh quyết liệt với tình trạng hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng. Số lượng sản phẩm được đề nghị bảo hộ SHTT ngày càng tăng. Toàn tỉnh có 16 nhãn hiệu chứng nhận, 15 nhãn hiệu tập thể và 1 chỉ dẫn địa lý tiêu biểu như nhãn hiệu chứng nhận Giò chả nem chua Yên Lã, Rượu nếp cái hoa vàng Đồng Nguyên, Cà rốt Lương Tài, Mỳ gạo Tử Nê, Tỏi một nhánh Gia Bình và Dưa gang muối Quế Võ; nhãn hiệu tập thể Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên, Đồ gỗ mỹ nghệ Phù Khê, Đồ gỗ mỹ nghệ Hương Mạc, Đồ gỗ mỹ nghệ Tam Sơn và Chuối Cảnh Hưng; chỉ dẫn địa lý Tỏi An Thịnh… Các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, chủ lực và các sản phẩm làng nghề truyền thống sau khi được bảo hộ SHTT đều gia tăng giá trị, khả năng nhận diện thương hiệu ở thị trường trong và ngoài nước, qua đó nâng cao đời sống cho người dân. Để từng bước hình thành văn hóa SHTT trong xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh truyền thông đa dạng về các Luật, chính sách có liên quan đến SHTT, biên soạn tài liệu chuyên sâu để đào tạo theo nhu cầu; khuyến khích phát triển, kết nối doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dịch vụ tư vấn, xây dựng chiến lược SHTT phù hợp; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ đăng ký và bảo vệ SHTT. Đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát huy các tài sản trí tuệ, quảng bá các thành tựu, sản phẩm tiêu biểu từ việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Từ đó, tạo dựng và khai thác văn hóa SHTT sâu rộng hơn, thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo phục vụ thiết thực cho sự phát triển của xã hội.