Năm 2027, đưa thời gian thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp về đúng thời hạn

Năm 2027, đưa thời gian thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp về đúng thời hạn

Theo Cục Sở hữu trí tuệ ( Bộ Khoa học và Công nghệ), năm 2024, số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được xử lý cao nhất từ trước đến nay. Cục đã xây dựng Kế hoạch xử lý đơn sở hữu công nghiệp nhằm hướng đến năm 2027 đưa thời gian thẩm định đơn về đúng thời hạn.

Nguồn:Báo Nhân Dân

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long trao đổi thông tin tại Toạ đàm

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long trao đổi thông tin tại Toạ đàm

Tại tọa đàm "Công tác thông tin, truyền thông về hoạt động sở hữu trí tuệ" diễn ra ngày 15/1, lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, năm 2024, Cục tiếp nhận 152.619 đơn các loại (giảm 2,4% so với năm 2023), bao gồm 89.033 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có 10.796 đơn sáng chế/giải pháp hữu ích; 3.796 đơn kiểu dáng công nghiệp; 63.961 đơn nhãn hiệu quốc gia, 151 đơn nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; 9.960 đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế; 23 đơn chỉ dẫn địa lý và 346 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam (tăng 5,0% so với năm 2023). Bên cạnh đó, tiếp nhận 63.586 các loại đơn và yêu cầu khác (giảm 11,3% so với năm 2023).

Trên cơ sở đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã xử lý được 143.288 đơn các loại, tăng 13,9% so với năm 2023, trong đó gồm có 87.048 đơn đăng ký xác lập quyền hữu công nghiệp ( tăng 17,4%) và 56.240 đơn/yêu cầu khác (tăng 8,8%); cấp 53.674 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp (tăng 45,2% so với năm 2023).

 

Năm 2027, đưa thời gian thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp về đúng thời hạn ảnh 1

Quang cảnh tọa đàm.

Theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long, số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được xử lý trong năm 2024 lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh Cục có thay đổi về cơ chế tài chính, khó khăn về nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin và máy móc, nhưng với các giải pháp đồng bộ, nhất là quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cán bộ, nhân viên, người lao động, Cục đã giải quyết dần tình trạng tồn đọng đơn đăng ký kéo dài nhiều năm qua. “ Rất nhiều thẩm định viên phải xử lý đơn đăng ký xác lập quyền đến tận 1-2 giờ sáng. Chúng tôi còn mở hệ thống làm việc từ xa để đẩy nhanh quá trình giải quyết đơn. Các giải pháp đã đem lại kết quả tích cực trong năm 2024”, Cục trưởng Lưu Hoàng Long chia sẻ.

Vấn đề đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn tồn đọng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của Cục Sở hữu trí tuệ trong năm 2025.

Được biết, Cục Sở hữu trí tuệ đã xây dựng Kế hoạch xử lý đơn sở hữu công nghiệp để thực hiện trong thời gian tới nhằm thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội, hướng đến năm 2026 đưa thời gian thẩm định đơn về đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; bảo đảm hoàn thành số lượng đơn sở hữu công nghiệp được giao xử lý trong kế hoạch năm 2025. Đến năm 2027, việc xử lý đơn đi vào trạng thái hoạt động bình thường.

Cục trưởng Lưu Hoàng Long cho rằng, sau khi Nghị quyết 57-NQ/TW ban hành, hoạt động khoa học, công nghệ sẽ phát triển hơn, kéo theo đơn đăng ký sở hữu công nghiệp sẽ tăng. Ngoài việc đẩy nhanh tốc độ giải quyết đơn, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tham gia vào quá trình đưa tài sản sở hữu trí tuệ vào phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội.

Trong năm 2025, Cục sẽ đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số các hoạt động của Cục, với phương thức sẽ làm từng bước và làm chắc chắn. Về lâu dài, mục tiêu của Cục là nâng tầm Cục sở trí tuệ thể trở thành một trong những Cục Sở hữu trí tuệ có trình độ khá trên thế giới. “Để đạt mục tiêu này, phải đồng bộ từ hạ tầng, cơ sở vật chất, hoạt động và con người, thể chế để hội nhập sâu rộng với thế giới, đồng thời đạt trình độ khá trên thế giới”, Cục trưởng Lưu Hoàng Long nói.

Báo Nhân Dân
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang