Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lê Huy Anh: Để xây dựng và bảo vệ các thương hiệu của Việt Nam tại thị trường quốc tế, ở góc độ sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp Việt Nam cần: Chủ động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Xác định các tài sản trí tuệ cốt lõi của doanh nghiệp để có chiến lược/kế hoạch bảo hộ phù hợp; nâng cao nhận thức, kiến thức, năng lực hoạt động về sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp…
Để xây dựng và bảo vệ các thương hiệu của Việt Nam tại thị trường quốc tế, ở góc độ sở hữu trí tuệ, theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động có những bước đi như thế nào?
Ngày nay, xây dựng và phát triển thương hiệu của Việt Nam tại thị trường quốc tế vừa có nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng có không ít những khó khăn, thách thức. Sự phát triển của Internet và sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của khách hàng đã tạo ra một môi trường kinh doanh toàn cầu mới, nơi các doanh nghiệp cần phải thích ứng nhanh chóng để xây dựng, duy trì và phát triển thương hiệu của mình.
Để xây dựng và bảo vệ các thương hiệu của Việt Nam tại thị trường quốc tế, ở góc độ sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thực hiện một số hoạt động sau:
Chủ động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, nhất là đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại thị trường mục tiêu trước khi sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu ra nước ngoài; cần tận dụng các cơ chế đăng ký quốc tế như Hệ thống Madrid, Thỏa ước La Hay, Hiệp ước Hợp tác về sáng chế (PCT) để tiết kiệm thời gian cũng như chi phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Chiến lược/kế hoạch đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của doanh nghiệp cần phải được kết nối chặt chẽ với chiến lược sản xuất, kinh doanh, chiến lược xuất khẩu. Với mỗi thị trường được lựa chọn, ngoài nghiên cứu về nhu cầu sản phẩm dịch vụ, yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng đối với hàng hóa, cần tìm hiểu quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở từng quốc gia.
Xác định các tài sản trí tuệ cốt lõi của doanh nghiệp để có chiến lược/kế hoạch bảo hộ phù hợp; đồng thời cân nhắc lựa chọn thời điểm, đối tượng phù hợp để đăng ký bảo hộ ở nước ngoài do chi phí đăng ký ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước phát triển là khá cao.
Đối với các sản phẩm, dịch vụ có uy tín, cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa xâm phạm, theo dõi, giám sát thị trường truyền thống và theo dõi, giám sát trên môi trường số (trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội) để kịp thời phát hiện các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tránh để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện không cần thiết, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và tốn kém chi phí.
Trong hợp tác kinh doanh với đối tác nước ngoài, cần lưu ý có các điều khoản về sở hữu trí tuệ để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp; bên cạnh đó, cần thường xuyên rà soát và cập nhật hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, theo dõi thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ, gia hạn, duy trì hiệu lực đúng quy định và mở rộng phạm vi đăng ký bảo hộ khi doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Để nâng cao chất lượng xây dựng và bảo vệ các thương hiệu của Việt Nam tại thị trường quốc tế, cần nâng cao nhận thức, kiến thức, năng lực hoạt động về sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp; chú trọng đào tạo nội bộ về sở hữu trí tuệ cho các cấp quản lý và nhân sự liên quan; đồng thời, doanh nghiệp cần hợp tác với các chuyên gia, tổ chức tư vấn về sở hữu trí tuệ để xây dựng hệ thống quản trị tài sản trí tuệ hiệu quả.
Việc xây dựng lòng tin với khách hàng ở thị trường quốc tế là yếu tố then chốt trong việc xây dựng thương hiệu ở thị trường quốc tế. Khách hàng ở các quốc gia khác nhau thường có những tiêu chuẩn và kỳ vọng khác nhau đối với sản phẩm và dịch vụ; doanh nghiệp cần chứng minh cam kết của mình đối với chất lượng và uy tín thông qua việc tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn quốc tế; bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ khách hàng tốt và tạo mối quan hệ lâu dài với khách hàng cũng là yếu tố rất quan trọng để xây dựng thương hiệu ở nước ngoài.
Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang có những giải pháp cụ thể nào để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xây dựng, đăng ký và bảo vệ thương hiệu khi mở rộng ra thị trường quốc tế, đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc...?
Thời gian qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã triển khai, tham mưu tổ chức triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài, trong đó các hoạt động đáng quan tâm gồm:
Cục Sở hữu trí tuệ đã cung cấp thông tin hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài trên Cổng thông tin điện tử của Cục; tổ chức bàn tư vấn, hỗ trợ trực tiếp (IP Helpdesk) cho các chủ thể có nhu cầu ngay tại trụ sở Cục.
Bên cạnh đó, Cục đang tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ đồng bộ cả về chuyên môn và tài chính trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ được triển khai ở cả Trung ương và địa phương để hỗ trợ các hoạt động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù có tiềm năng xuất khẩu.
Ngày 31/12/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã ký “Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025”. Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 1244/QĐ-BKHCN ngày 14/6/2023 phê duyệt kế hoạch hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025, trong đó Cục Sở hữu trí tuệ là đơn vị đầu mối được giao triển khai Kế hoạch này. Thời gian qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với các cơ quan liên quan của một số bộ, ngành, địa phương thực hiện hoạt động khảo sát và phổ biến kiến thức về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài, trong đó ưu tiên các thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam quan tâm như châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, …
Thời gian qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã có nhiều nỗ lực trong việc hợp tác, trao đổi với cơ quan sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA) nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Thỏa thuận hợp tác về sở hữu trí tuệ giữa hai bên, xem xét triển khai hoạt động hợp tác nghiên cứu khả năng bảo hộ lẫn nhau về chỉ dẫn địa lý. Nội dung nêu trên đã được đưa vào Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc vào tháng 4/2025 và trong thời gian tới, cơ quan sở hữu trí tuệ hai nước sẽ tiếp tục trao đổi để đưa ra các giải pháp phù hợp cho vấn đề này.
Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã tổ chức, phối hợp với một số cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia tổ chức các hội thảo, xây dựng và phát hành tài liệu hướng dẫn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu ở Trung Quốc và một số thị trường châu Âu; trong thời gian tới, sẽ hướng tới một số thị trường lớn và quan trọng khác như Hoa Kỳ, Đài Loan, Trung Đông.
Đối với vấn đề xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho việc đăng ký các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại nước ngoài, Cục Sở hữu trí tuệ hiện đang phối hợp, thảo luận với các đối tác nước ngoài về việc xây dựng cơ chế tạo thuận lợi cho việc đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Nhật Bản và Trung Quốc.
Cục Sở hữu trí tuệ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thúc đẩy thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để hỗ trợ việc đăng ký chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài, tiêu biểu là thành công trong việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản, sự kiện quan trọng này đã đánh dấu bước tiến lớn trong hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực quốc gia tại nước ngoài.
Bên cạnh việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài, Cục Sở hữu trí tuệ luôn chú trọng đến việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ thể liên quan trong việc đánh giá tiềm năng của việc sử dụng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài để có những quyết định, lựa chọn phù hợp trong bảo hộ và quản lý tài sản trí tuệ, tránh những thiệt hại không đáng có khi xảy ra tranh chấp hoặc lãng phí nguồn lực không cần thiết.
Cục Sở hữu trí tuệ luôn quan tâm và tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để chia sẻ các thông tin cần thiết nhằm trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài nói riêng cho cán bộ làm việc tại các cơ quan đại diện khoa học và công nghệ tại nước ngoài, từ đó có những hoạt động kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại nước ngoài.
Hội thảo Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu
Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới qua các FTA như CPTPP, EVFTA... Vậy các cam kết quốc tế này đang đặt ra những cơ hội và thách thức gì trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thương hiệu?
Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, thể hiện sự chủ động hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.
Về cơ hội, khi các FTA được ký kết, cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ được áp dụng bình đẳng giữa tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Vì vậy, ở cả thị trường trong nước và thị trường các nước đã ký FTA với Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng cơ chế bảo hộ cao đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ, trong đó bao gồm nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo các FTA này cũng minh bạch, công bằng, thuận tiện và hợp lý hơn (doanh nghiệp có thể nộp đơn đăng ký xác lập quyền dưới dạng điện tử; có cơ hội phản đối đơn hoặc có ý kiến đối với các thông báo/quyết định bảo hộ/từ chối bảo hộ của các cơ quan sở hữu trí tuệ). Các cơ chế thực thi và bảo vệ quyền cũng nghiêm minh hơn (tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số; đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát biên giới; mở rộng các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự…). Hơn nữa, cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở mức cao sẽ tạo môi trường thuận lợi cho khả năng thu hút và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, tạo điều kiện cho việc nâng cao năng lực công nghệ trong nước.
Tuy nhiên, cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ ở mức cao cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam tạithịtrường trong nước và quốc tế. Cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ ở mức cao đồng nghĩa với việc thu hẹp khả năng tiếp cận công nghệ được bảo hộ đối với xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Hơn nữa, cơ chế độ thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở mức cao cũng sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thêm gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát về sở hữu trí tuệ, gia tăng nguy cơ phải đối mặt với các tranh chấp về sở hữu trí tuệ ở cả trong nước và quốc tế.