Liên quan đến vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn giao Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát các quy định của pháp luật, giải quyết các quan tâm của Mỹ.
Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng thỏa thuận song phương với Mỹ theo hướng nâng cấp Hiệp định Thương mại song phương (BTA), trong đó có bổ sung nội dung về thuế và sở hữu trí tuệ.
Trước đó vào ngày 13.7.2000 tại Washington D.C, Mỹ, Việt Nam và Mỹ chính thức ký Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ với nhiều nội dung về quyền sở hữu trí tuệ.
Theo Hiệp định thương mại song phương (BTA) Việt Nam - Mỹ, hai bên cam kết bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ cho công dân của nhau trên lãnh thổ của mình.
Việc bảo hộ không được cản trở thương mại chính đáng và cần phù hợp với các mục tiêu phát triển, công nghệ, xã hội.
Mỗi bên đảm bảo công dân của bên kia được đối xử không kém thuận lợi hơn công dân trong nước trong việc xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Không yêu cầu thủ tục hình thức hoặc điều kiện bất hợp lý để được hưởng đối xử quốc gia.
Về nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu bao gồm mọi dấu hiệu có khả năng phân biệt, kể cả nhãn hiệu dịch vụ, tập thể và chứng nhận.
Chủ nhãn hiệu có quyền ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép dấu hiệu gây nhầm lẫn.
Không được từ chối đăng ký chỉ vì chưa sử dụng trước khi kết thúc 3 năm.
Cấm đăng ký nhãn hiệu trái đạo đức, gây nhầm lẫn, xúc phạm tổ chức/tín ngưỡng, hoặc mang từ ngữ chung.
Về sáng chế, mỗi bên bảo đảm quyền cấp bằng độc quyền sáng chế cho mọi lĩnh vực công nghệ nếu đáp ứng tính mới, sáng tạo và khả năng ứng dụng.
Có thể loại trừ sáng chế trái đạo đức, gây hại đến sức khỏe, môi trường hoặc trật tự công cộng.
Về thông tin bí mật/bí mật thương mại: Bảo hộ thông tin bí mật không phổ biến, có giá trị thương mại và được giữ bí mật một cách hợp lý.
Cấm tiết lộ/truy cập/sử dụng trái phép các thông tin này.
Nếu dữ liệu bí mật được yêu cầu để xin phép lưu hành sản phẩm (như dược phẩm), phải bảo vệ dữ liệu đó khỏi sử dụng và tiết lộ trái phép trong ít nhất 5 năm.
Về kiểu dáng công nghiệp: Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp có tính mới hoặc nguyên gốc, trừ những kiểu dáng mang tính chức năng.
Chủ sở hữu có quyền ngăn chặn sản xuất và phân phối sản phẩm sao chép kiểu dáng.
Thời hạn bảo hộ tối thiểu là 10 năm.
Về thực thi quyền sở hữu trí tuệ: Mỗi bên phải có thủ tục pháp lý hiệu quả để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gồm cả biện pháp khẩn cấp và chế tài nghiêm khắc.
Các thủ tục thực thi phải công bằng, không phức tạp, không tốn kém, và không gây cản trở thương mại chính đáng.
Quy định thủ tục tại biên giới cho phép đình chỉ nhập khẩu hàng giả mạo nhãn hiệu hoặc bản sao trái phép, và có thể áp dụng với hàng xuất khẩu/xâm phạm khác.